Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã trả lời câu hỏi của báo chí về công tác phòng chống Covid-19.
Thứ trưởng cho biết, tại Việt Nam, mới đây nhất đã ghi nhận 14 ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gồm 2 nhân viên y tế, 8 người bệnh và 4 người nhà. Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo đóng cửa bệnh viện, đồng thời ra lệnh cách ly bệnh viện từ hôm nay đến 19/5.
Trước diễn diễn phức tạp của dịch, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, nhất là khi virus có nhiều biến chủng mới, Bộ trưởng Y tế đã quyết định tăng thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày, kể từ hôm nay.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, ngay từ ngày đầu có dịch, chúng ta nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Có rất nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng đã chỉ đạo thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương chủ động cập nhật tình hình trong nước và thế giới, rà soát, thực hiện nghiêm các giải pháp chống dịch, không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết thêm, với cá nhân, phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang. Các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát việc cách ly bắt buộc tại các cơ sở cách ly.
Về chủ trương cho phép các chuyên gia nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định “không cấm chuyên gia”, song phải đúng người và thực sự hiệu quả về công việc, công tác phát triển kinh tế - xã hội và phải đảm bảo an toàn.
Thủ tướng đã yêu cầu kích hoạt lại tổ công tác liên ngành gồm 5 bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải để xem xét tùy vào từng trường hợp để đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
Về hộ chiếu vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vắc xin. Tuy nhiên, hộ chiếu vaccine vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu, thảo luận.
Nhiều ý kiến cho rằng hộ chiếu vắc xin có thể được sử dụng chỉ khi miễn dịch chủ động trong cộng đồng đạt được nhờ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vaccine đối với các biến chủng của SARS-CoV-2.
Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu bởi vì như đã nói ở trên, các loại vắc xin không có loại nào đạt hiệu quả 100% cả. Mặt khác, hộ chiếu vắc xin chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng.
Do đó khi áp dụng hộ chiếu vắc xin, chúng ta phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc tiêm chủng vắc xin, chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện tốt những biện pháp này là chúng ta đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh.