Không bớt găng cũng chưa thêm dịu

GD&TĐ - Lần thứ hai trong vòng chưa đầy 9 tháng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen công du Trung Quốc.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong số các quan chức cấp cao của Mỹ, bà Janet Yellen được coi là người có quan điểm, thái độ ôn hòa nhất đối với Trung Quốc. Bà Yellen đi Trung Quốc gần như ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà ở đó biểu lộ quyết tâm và thiện chí “ổn định mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Gặp và hội đàm với Bộ trưởng Tài chính, Thủ tướng Trung Quốc, nhưng nội dung các cuộc trao đổi của bà Yellen lại gần như không liên quan đến tài chính và tiền tệ, mà thuần túy về chính trị và thương mại. Hai vấn đề nổi cộm là bù trợ thương mại ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Nhiều năm nay, Mỹ và Trung Quốc đẩy nhau vào cuộc xung khắc thương mại dai dẳng với cách thức là bên này áp thuế quan bảo hộ đối với hàng hóa xuất khẩu của bên kia trên cơ sở bên này cáo buộc bên kia bù trợ xuất khẩu. Lần này, bà Yellen thể hiện thái độ cứng rắn và kiên quyết hơn so với trước.

Cụ thể là Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc bù trợ tài chính cho sản xuất và xuất khẩu khiến thị trường Mỹ ngập tràn hàng hóa Trung Quốc. Dành nhiều thời gian đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, vừa hối thúc vừa răn đe, bà Yellen còn chia rẽ giữa Trung Quốc với Nga, không để Nga liên minh với Trung Quốc cùng đối địch Mỹ và các nước phương Tây.

Ngược lại, Trung Quốc đáp trả những cáo buộc, thúc ép và răn đe của Mỹ bằng mức độ cứng rắn và kiên quyết tương tự nhưng cũng chủ định không leo thang căng thẳng và kích hoạt vòng xoáy mới về ăn miếng trả miếng trong quan hệ song phương.

Cho nên coi chuyến đi Trung Quốc lần này của bà Yellen là thành công hay đánh giá bị thất bại đều có thể được. Thành công vì bà Yellen đã nói những điều Mỹ muốn nói với Trung Quốc và mối quan hệ song phương này không bị căng thẳng thêm.

Thất bại vì bà Yellen không giải quyết được vấn đề nào trong số những vướng mắc cần được giải quyết lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như không thuyết phục được Trung Quốc thay đổi quan điểm, chính sách về bù trợ tài chính cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa và đồng thời đối với Nga, liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Không găng thêm nhưng cũng chưa bớt dịu sẽ là thực trạng của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ít nhất cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến. Xem ra, Trung Quốc kiềm chế để quan sát cuộc bầu cử tổng thống này và không tỏ ra ủng hộ ứng cử viên nào.

Còn ông Biden thì dường như cũng chủ định không tạo biến động mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, đồng thời không khai thác chủ đề nội dung quan hệ của Mỹ với Trung Quốc phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ trong mấy tháng tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...