Không bắt buộc...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trên thực tế, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 1 nghìn sàn giao dịch bất động sản.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Một trong những nội dung trong Thông báo số 354/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc thành lập các sàn giao dịch việc làm, công nghệ, giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất là các bộ đánh giá kỹ pháp lý, giải pháp…

Lý do là bởi hiện nay thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất... đang hình thành và có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ cho việc ứng dụng, phát triển và quản lý bảo đảm hoạt động hiệu quả, công khai và minh bạch.

Bởi vậy, để giảm thiểu rủi ro, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Xây dựng, TN&MT; LĐ-TB&XH, KH&CN trong phạm vi, chức năng quản lý hoàn thiện báo cáo, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng trước ngày 8/9.

Vậy sàn giao dịch bất động sản là gì và có nhất thiết phải thành lập không? Theo Khoản 6, Điều 3, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, sàn giao dịch bất động sản là nơi diễn ra các giao dịch về mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Quy định của luật là vậy, và trên thực tế, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 1 nghìn sàn giao dịch bất động sản. Các chủ đầu tư dự án bất động sản cũng phần lớn bán sản phẩm thông qua các sàn hoặc tổ chức môi giới.

Thế nhưng, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, cụ thể là Điều 57 có quy định các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Ý kiến tán thành thì cho rằng, quy định này sẽ giúp việc giao dịch bất động sản được minh bạch.

Nhà nước sẽ thu được thuế từ quá trình chuyển nhượng đất đai, nhà ở. Ngoài ra, khi các địa phương áp giá bồi thường đất đai, nhà ở cho các dự án cũng dễ so sánh, có được mức giá phù hợp, sát với thị trường, giúp người dân bị thu hồi đất bớt thiệt thòi và nhận được đồng thuận cao...

Ý kiến không tán thành thì cho rằng, khi thành lập sàn giao dịch mà không quản lý tốt sẽ hình thành độc quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu với người có nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê bất động sản.

Chưa kể đến việc các sàn này có thể câu kết với một trong các bên tham gia giao dịch làm nhiễu loạn thị trường, không phản ánh đúng quan hệ cung cầu, giá cả và cũng có thể phát sinh thêm nhiều chi phí.

Cho đến Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vừa qua, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã bỏ nội dung các giao dịch bất động sản phải qua sàn.

Việc này, theo Ủy ban Kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, khách hàng được chọn phương thức giao dịch nhưng luật sẽ bổ sung quy định về khuyến khích giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất qua sàn bất động sản.

Như vậy có thể thấy, dù không quy định “cứng” là phải giao dịch qua sàn bất động sản nhưng với các giao dịch này vẫn phải theo yêu cầu là xây dựng hệ thống thông tin bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng thanh toán không dùng tiền mặt.

Bởi như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì nếu thanh toán qua ngân hàng thì qua sàn hay không qua sàn sẽ vẫn minh bạch. Quan trọng là kiểm soát được dòng tiền, không phải ép lên sàn hay không. Các tập đoàn bất động sản đều có công ty, hệ thống phân phối sản phẩm nên không phải cứ giao dịch qua sàn là tốt - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ