“Méo mặt” vì... ôsin
Anh Nguyễn Văn Tuynh (Hà Nội) làm việc tại một ngân hàng. Vợ anh là giáo viên dạy tiểu học, hàng ngày phải đi làm từ sáng đến tối. Ông bà nội, ngoại ở quê nên anh, chị phải thuê người trông con và dọn dẹp nhà cửa với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Ngoài khoản lương hàng tháng, tiền mua quần áo, Tết năm nay trước khi người giúp việc về quê, anh chị còn thưởng 3 triệu đồng, rồi cho tiền tàu xe, quà Tết. Anh chị giao hẹn, ngày mùng 6 tháng Giêng phải lên làm việc. Ấy vậy mà đến mùng 10, ôsin vẫn “bặt vô âm tín”. Hai vợ chồng phải cắt cử nhau ở nhà trông con. Có hôm cả hai đều bận việc đành mang con gửi nhà hàng xóm...
“Hai năm nay, cứ sau Tết là hai vợ chồng tôi luôn cáu bẳn với nhau chỉ vì chuyện phải thay nhau ở nhà trông con. Mặc dù liên tục gọi điện thoại báo người giúp việc lên, nhưng giờ vẫn chưa thấy hồi âm. Chị giúp việc nói, qua rằm tháng Giêng mới có thể lên được vì còn bận ở nhà lo nốt việc đồng áng, vườn tược” - anh Tuynh cho biết.
Không riêng gia đình anh Tuynh, nhiều gia đình khác cũng “méo mặt” vì đến hẹn mà điện thoại của người giúp việc vẫn… “thuê bao” không thể liên lạc. Anh Hoàng Xuân Hùng ở Giảng Võ (Hà Nội) cho biết: “Tôi có nhà hàng ăn uống nên mở hàng từ mùng 6 Tết. Bà nội tôi ốm liệt giường cả năm nay, đến ngày mùng 7 mọi người đều đi làm không ai chăm sóc, gọi giúp việc thì không nghe máy nên đành phải cắt cử nhân viên chạy đi, chạy lại để chăm sóc, cơm nước cho bà”.
Nhiều trường hợp, vì vắng ôsin mà vợ chồng cãi vã nhau chỉ vì mỗi chuyện cho con ăn hay lau dọn nhà cửa. Chị Lê Minh Hoa (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) than thở: “Công việc ai cũng bận, mà ngày mùng 10 rồi ôsin vẫn không ra nên vợ chồng đành phải chia công việc ra để làm. Tôi nấu nướng, cho con ăn, rửa bát, chồng lau dọn nhà, giặt giũ, phơi quần áo… Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến việc chồng tôi lại làu bàu, rồi đùn đẩy. Hai vợ chồng chỉ có bấy nhiêu việc thôi thế mà đôi lúc cũng đã cáu bẳn, to tiếng với nhau”.
Gia chủ cần, ôsin đủng đỉnh
Trước khi người giúp việc về quê nghỉ Tết, nhiều gia đình nịnh nọt, thưởng cao, rồi quà cáp chỉ để mong họ lên đúng hẹn. Thế nhưng quá hẹn mà ôsin vẫn như “bóng chim, tăm cá”. Người thì ở lại để tận hưởng không khí Tết, người thì đưa ra yêu sách để đòi tăng lương…
Chị Trịnh Thúy Mai ở Thanh Xuân (Hà Nội) bức xúc: “Trước Tết (ngày 26 tháng Chạp), chúng tôi đã thu xếp nhờ bà nội đến trông con để cho cô giúp việc về quê sớm và hẹn chiều mùng 6 (ÂL) phải có mặt để mùng 7 chúng tôi còn đi làm. Thế nhưng, gọi điện mãi không được, đến chiều mùng 8 cô ta mới nghe, nhưng nói xin nghỉ hết tuần mới lên, đồng thời bảo phải tăng lương thêm 1 triệu đồng/tháng mới tiếp tục làm. Cô ta còn mặc cả, nếu đồng ý thì gọi lại, không đồng ý thì gia đình tìm người khác thay. Nghe rất bực mình, nhưng vẫn bấm bụng đồng ý để cô ta quay lại làm việc vào cuối tuần rồi tính sau”.
May mắn hơn gia đình chị Mai, người giúp việc của gia đình chị Nguyễn Thị Lương ở Nam Thành Công (Hà Nội) đã quay trở lại làm việc dù không đúng hẹn. “Trước Tết ông Công, ông Táo, mình bàn với chồng cho cô giúp việc về từ hôm 24 tháng Chạp và hẹn mùng 5 phải có mặt để làm việc. Để động viên chúng tôi mua quà cáp, thưởng Tết hậu hĩnh, cho tiền tàu xe đi lại… Ấy vậy mà mãi mùng 8 cô ấy mới ra, thôi thì chậm vài ngày còn hơn là cô ta không quay lại nữa…”, chị Lương cho biết.
Với những gia đình có con nhỏ hoặc bố mẹ già đau ốm, một ngày không có người giúp việc quả thực rất vất vả. Trong khi dịch vụ giúp việc theo giờ chỉ để “chữa cháy” vì giá cả cao, mà làm việc lại kém nhiệt tình… Bởi vậy, việc tìm người giúp việc biết việc, trung thực, nhiệt tình là chuyện không hề dễ dàng, đặc biệt là trong tháng “ăn chơi” sau Tết. Gia chủ cần người nên phải nịnh nọt, thậm chí tăng lương, thưởng… nhưng người giúp việc vẫn rất “chảnh”.