Khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao

GD&TĐ - Dù đạt được kết quả bước đầu nhưng việc triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và nông nghiệp sạch còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế đất đai, thị trường tiêu thụ... để khơi thông dòng vốn. 

Khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng NNCNC”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ phát triển NNCNC, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ dành gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng để khuyến khích các cá nhân, tổ chức sản xuất theo mô hình này với lãi suất ưu đãi, điều kiện vay thuận lợi. Thực hiện chỉ đạo trên, NHNN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 813/QĐ ngày 24/4/2017 về gói tín dụng này. Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ cho vay nông nghiệp trong thời gian gần đây đã có nhiều cải thiện. Đáng chú ý, những khoản vay trong lĩnh vực này đều không phát sinh nợ xấu.

Theo đại diện NHNN, nguồn vốn cho vay gói tín dụng do các NHTM cân đối từ nguồn huy động trên thị trường. NHTM và khách hàng tự thoả thuận về việc áp dụng. Khách hàng vay vốn theo chương trình được phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm.

Về cơ cấu, ông Trần Văn Tần phân tích, tỉ trọng cho vay trung và dài hạn chiếm phần lớn trong các khoản vay của chương trình. Do đó, NHNN đang xem xét loại trừ vốn trung, dài hạn cho vay theo chương trình này ra khỏi công thức tính vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để khuyến khích các ngân hàng tham gia. Mức tỉ lệ này theo quy định hiện tại là 50% và hướng tới giảm xuống 40% trong thời gian tới.

Những dự án đáp ứng tiêu chí của chương trình sẽ được vay vốn với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Ngoài ra, nếu khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng sẽ được NHTM chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ một lần. Khách hàng cũng có thể được vay mới nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Các NHTM có thể xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau.

Dù đạt được kết quả bước đầu nhưng đại diện NHNN cũng nhận định việc triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNCNC và nông nghiệp sạch còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện tại các NHTM không thiếu vốn, nhưng vấn đề khiến tín dụng NNCNC gặp khó nằm ở các cơ chế pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tài sản, phát triển thị trường tiêu thụ, khiến các bên chưa “gặp” được nhau.

Để giải quyết vấn đề này, đại diện NHNN cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi thường cần phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng để sớm có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu các tài sản trên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi vay vốn sản xuất.

Bộ NN&PTNT cũng cần có sự phối hợp đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm NNCNC, nông nghiệp sạch. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...