Khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách cho giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngoài hợp tác với trường đại học trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tài trợ thiết bị, doanh nghiệp còn tham gia vào quá trình đào tạo.

Sinh viên tiếp cận xe ô tô điện tại Trung tâm Thí nghiệm Động cơ và Ô tô Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.
Sinh viên tiếp cận xe ô tô điện tại Trung tâm Thí nghiệm Động cơ và Ô tô Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Từ “khai thác” sang “nuôi dưỡng” nhân lực

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vừa tiếp nhận 1 xe ôtô điện và 1 trụ sạc do Công ty TNHH ôtô Mitsubishi Việt Nam tài trợ phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đây là chiếc xe hybrid điện sạc ngoài, được tích hợp động cơ xăng nhằm hỗ trợ xe hoạt động khi nguồn điện từ pin suy giảm và hỗ trợ lực kéo khi cần thiết. Mẫu PHEV này phù hợp với xu hướng phát triển xe điện hóa trên thế giới giúp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, đặc biệt phù hợp với những nơi còn thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc điện.

2 robot hàn do doanh nghiệp tài trợ được lắp đặt tại Phòng Thí nghiệm Hàn, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.
2 robot hàn do doanh nghiệp tài trợ được lắp đặt tại Phòng Thí nghiệm Hàn, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải tài trợ cho Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng 7 động cơ ô tô và 2 robot hàn, bổ sung thiết bị theo công nghệ hiện đại cho các khoa Cơ khí và Cơ khí giao thông.

Mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã đi vào chiều sâu. Ngoài hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trang bị cơ sở vật chất, doanh nghiệp còn tham gia vào quá trình đào tạo chứ không chỉ đơn thuần chú trọng đến vấn đề tuyển dụng, cấp phát học bổng như trước đây.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Trong điều kiện cơ sở vật chất các trường đại học còn thiếu và cũng khó bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thì sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã giúp ích rất nhiều cho công tác giảng dạy của các giảng viên trong trường. Sinh viên có cơ hội tiếp cận và nâng cao kỹ năng thực hành với nhiều trang thiết bị hiện đại. Đây là điều cần thiết đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Xác định đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã nhận được nhiều đầu tư nguồn lực từ phía doanh nghiệp.

PGS.TS Phan Cao Thọ: "Cần cho phép tăng cường mời các nhà doanh nghiệp, chuyên gia có trình độ cao, có kinh nghiệm uy tín trong thực tiễn tham gia sâu hơn vào chương trình đào tạo giảng dạy các học phần". Hiện nay, theo quy định, các chuyên gia đứng lớp với vị trí giảng viên thỉnh giảng đều bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nên rất khó cho các trường khi mời doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều thiết bị, linh kiện hiện đại từ nhiều doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông (ESTEC) tặng cho nhà trường 4 bộ demo KIT PLC Siemens Simatic S7-1200 để sử dụng trong công tác đào tạo ngành tự động hóa. Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) tài trợ 2 động cơ mô hình và 5 động cơ để sinh viên thực hành trực tiếp, tiếp cận gần hơn với công nghệ ô tô. Công ty Cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam tặng Robot TA-1400-GII phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

Nguyên tắc “win – win”

PGS.TS Phan Cao Thọ cho rằng, nhà doanh nghiệp và nhà trường cần xây dựng được “văn hoá” hợp tác “win – win” (hai bên cùng có lợi). Do đó, cần phải có quyết tâm và chiến lược rõ ràng từ các bên thì mới triển khai các ký kết hợp tác mới hiệu quả.

Việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường là một hình thức đầu tư phát triển. Doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Về phía nhà trường, ngoài việc được hỗ trợ, trang bị thêm cơ sở vật chất, học bổng cho sinh viên, sự gắn kết này còn như là một phần của cơ chế học tập suốt đời và là một quá trình tương tác không thể tách rời.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tiếp nhận thiết bị thực hành từ doanh nghiệp tài trợ.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tiếp nhận thiết bị thực hành từ doanh nghiệp tài trợ.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tổ chức nhiều đợt đi thực tế tại các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo cũng như kế hoạch thực tập của sinh viên cho phù hợp với thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhìn nhận: “Trước bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nền kinh tế phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang theo chiều sâu, chỉ có một nền giáo dục đại học phát triển mới cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao làm tăng suất lao động và năng lực cạnh tranh, hội nhập”.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, một trong những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn đó là khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Nhà nước với vai trò “bà đỡ” khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là hết sức quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng kiến nghị: Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách như về thuế, đất… khuyến khích doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm dành nguồn đầu tư mà “điểm đến” là hỗ trợ, đóng góp cho các trường đại học. Các bộ, ngành cần quan tâm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường tiếp nhận các nguồn tài trợ quốc tế, nhằm tranh thủ thêm nguồn lực để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.