Lãnh đạo trường ĐH sư phạm nêu ý kiến về chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm

GD&TĐ - Các trường ĐH Sư phạm trọng điểm đều thực hiện đúng chủ trương giảm mỗi năm 10% chỉ tiêu theo đúng lộ trình của Bộ GD&ĐT. 

Lãnh đạo trường ĐH sư phạm nêu ý kiến về chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm
Với tổng số khoảng 54.000 SV sư phạm mỗi năm, các trường sư phạm trọng điểm quốc gia chỉ đào tạo khoảng 17.000 SV, số còn lại do các trường ĐH địa phương đảm nhiệm, dù không chuyên về đào tạo sư phạm.
Đó là ý kiến của PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng - trong khuôn khổ buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội với ĐH Đà Nẵng về khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học diễn ra mới đây.

PGS.TS Lưu Trang nêu ý kiến rất cụ thể như sau:

Hiện có hai con số về tình trạng sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp: 170.000 người và 200.000 người.

Các trường sư phạm trọng điểm quốc gia đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và tuân thủ chủ trương của Bộ GD&ĐT cắt giảm mỗi năm 10% chỉ tiêu. Và 7 trường sư phạm quốc gia hiện cũng chỉ đào tạo một số lượng rất khiêm tốn, khoảng 17.000 SV sư phạm mỗi năm trong tổng số 54.000 SV sư phạm trong cả nước, số còn lại do các trường ĐH địa phương có đào tạo sư phạm đào tạo.

Ví dụ như trong năm nay, chúng tôi đào tạo chưa đến 500 SV sư phạm, năm trước con số này là 550, năm trước nữa là 650, trước đó nữa là 850 chỉ tiêu… cứ theo phương thức mỗi năm cắt giảm khoảng từ 12 - 15% chỉ tiêu, riêng năm nay là cắt giảm 20% chỉ tiêu của nhóm ngành sư phạm. Thế nhưng, một số trường ĐH địa phương không chuyên về sư phạm nhưng họ lại đào tạo số lượng SV gấp 2 – 3 lần chúng tôi.

Nguyên nhân của tình trạng các trường ĐH địa phương tuyển sinh ồ ạt ngành sư phạm, đi ngược lại với chủ trương cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm của Bộ GD&ĐT là do các trường này không hưởng ngân sách từ Bộ, các địa phương mới là nơi cấp kinh phí hoạt động cho các trường này nên Bộ rất khó để kiểm soát, khống chế số lượng tuyển sinh ngành sư phạm của các trường ĐH địa phương.

Tôi không dám nói chất lượng đào tạo của các trường đó như thế nào, nhưng tôi chắc chắn là không thể bằng các trường chuyên về đào tạo sư phạm được.

Ngoài đào tạo ồ ạt, có một thực tế là trong quá trình tuyển dụng, Sở Nội vụ của các địa phương này cũng tạo điều kiện để SV tốt nghiệp từ các trường địa phương được ưu tiên hơn trong tuyển dụng, tạo ra sự không công bằng trong cạnh tranh cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên.

Chính vì vậy, cần phải có cơ chế giám sát, khống chế chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm của các trường ĐH địa phương để đảm bảo chất lượng cũng như số lượng của giáo viên.

"Riêng ngành Sư phạm, Bộ GD&ĐT đã cảnh báo SV tốt nghiệp sư phạm dôi dư từ mấy năm nay nhưng giờ mới bắt đầu có tác dụng: Năm nay sư phạm bắt đầu thiếu chỉ tiêu tuyển sinh.

Nhà trường phải tính toán đến chuyện này để có kế hoạch cho mùa tuyển sinh năm sau. Có thể sẽ phải dừng tuyển sinh một số ngành khó tuyển. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, việc một cơ sở giáo dục đào tạo đóng cửa những ngành khó tuyển sinh là một dấu hiệu tích cực của nhà trường. Đây là tín hiệu cho thấy các trường đang đào tạo theo nhu cầu của xã hội bởi giữ thì dễ, đóng cửa mới là khó vì phải sắp xếp lại đội ngũ giảng viên".
PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng                

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.