Tự vấn bản thân
Thực hiện quyền tự chủ, năm nay các cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - nhìn nhận: Điều này, tạo cơ hội cho thí sinh trong chọn ngành, chọn trường. Song, dù có nhiều thuận lợi nhưng để chọn được ngành học, trường học ưng ý cũng không phải điều đơn giản, bởi lẽ thí sinh chưa có nhiều kinh nghiệm và đôi khi chưa thể tiếp cận đầy đủ thông tin. Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, chọn được một ngành phù hợp là tiền đề quan trọng cho các em phát triển các bước tiếp theo.
Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tư vấn: Trước hết, thí sinh cần có hình dung đầu tiên về “nghề nghiệp lý tưởng”. Học sinh có thể tự vấn bản thân về những nghề mình có thể làm. Những nghề này là sự tổng hòa của 3 tiêu chí: Đam mê, năng lực và nhu cầu xã hội.
Theo bà Nguyễn Việt Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nexia STT, để chọn một nghề, thí sinh cần trả lời câu hỏi: Bản thân thích làm nghề gì? Có khả năng làm nghề đó hay không? Sau khi bạn tốt nghiệp đại học, thị trường có nhu cầu hay không? Bên cạnh đó, cần quan tâm tới môi trường làm việc, đối tượng mà mình sẽ làm việc cùng sau này và mục đích chọn nghề đó là gì…
Đồng quan điểm, ThS.LS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định (TP Hồ Chí Minh) – chia sẻ: Nếu thí sinh không định hướng đúng ngành nghề để theo đuổi, sau khi ra trường, các em sẽ hoang mang, vô định thay vì quyết tâm theo đuổi, xây dựng sự nghiệp.
Để không rơi vào vòng luẩn quẩn, “điểm tựa” quan trọng để thí sinh có thể quyết định lựa chọn ngành nghề, gồm: Sự phù hợp năng lực của cá nhân với nghề; hứng thú, say mê với nghề và nhu cầu xã hội. Ngoài ra, yếu tố truyền thống gia đình, kinh tế, văn hóa địa phương ảnh hưởng rất nhiều đến lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh. Khi cân nhắc tất cả những yếu tố này thì tương lai của các em càng vững chắc, sớm có sự nghiệp vững vàng và thành công nhất định.
“Nhiều thí sinh chọn trường công an, quân đội vì các em nghĩ sau khi ra trường có việc làm ngay. Thực tế này khiến tỷ lệ chọi vào những trường công an, quân đội thường rất cao. Tại sao các em không chọn ngành mà mình có sở trường, có thể phát huy điểm mạnh. Khi ra trường, các em sẽ được nhà tuyển dụng săn đón, thay vì lo sợ thất nghiệp…”, ThS.LS Trịnh Hữu Chung đặt vấn đề.
Các nguyên tắc và bước chọn nghề
Chia sẻ về một số nguyên tắc giúp thí sinh lựa chọn nghề nghiệp, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chuyên gia của Viện Tâm lý Việt – Pháp – bật mí: Thí sinh chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân mình. Các em không nên chọn nghề mà mình không đủ điều kiện đáp ứng. Nghĩa là, năng lực bản thân không đáp ứng được các yêu cầu của nghề nghiệp đó; Hay là tính cách không phù hợp với tính chất của lao động trong nghề nghiệp; Hoặc điều kiện, hoàn cảnh gia đình không đáp ứng được với chi phí đào tạo…
Đồng thời, học sinh chỉ chọn khi có hiểu biết đầy đủ về nghề đó. Tức là phải hiểu biết về tất cả điều kiện (môi trường, tính chất, sự khó khăn và những thách thức) khi theo đuổi ngành nghề đó. Cũng không nên chọn nghề khi xã hội không còn nhu cầu.
Vậy làm thế nào để biết xã hội còn nhu cầu về nghề nghiệp ở một địa phương hay một thời điểm nào đó. PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: Thí sinh có thể lên trên mạng và gõ từ khoá nghề nghiệp và xem có bao nhiêu kết quả hiện ra trong một khoảng thời gian nhất định. Hoặc có thể truy cập vào một số website để xem nhu cầu và xu hướng nghề nghiệp được đăng trên đó như thế nào.
Ngoài ra, sĩ tử có thể cập nhật, đọc dự báo về phân tích xu hướng nghề nghiệp trong báo cáo của nước ngoài. Sử dụng mạng xã hội để tối đa hoá sự hiểu biết của mình về ngành nghề và tìm kiếm các cơ hội về việc làm. Cuối cùng, nên chọn nghề đáp ứng được những giá trị cơ bản mà bản thân mình coi trọng và có ý nghĩa.
Nhấn mạnh đến quy trình lựa chọn nghề nghiệp, chuyên gia của Viện Tâm lý Việt – Pháp chia sẻ 8 bước cơ bản gồm: Xác định điều mà bản thân muốn làm. Hãy tự hỏi mình thích làm gì? Giá trị nào có thể mang lại hạnh phúc cho bản thân; Xác định những khả năng mà mình có thể làm tốt; Tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mình mong muốn; Tìm hiểu những tiêu chuẩn của lĩnh vực nghề, VD: Yêu cầu về sức khoẻ, kỹ năng hoặc yêu cầu đặc biệt khác; Tìm hiểu về những khó khăn sẽ phải đối mặt; Hãy đánh giá và đưa ra sự lựa chọn tối ưu; Tìm hiểu và đăng ký một chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp; Hãy duy trì sự tích cực bằng cách đặt ra mục tiêu và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó, dành nhiều thời gian để trải nghiệm mục tiêu và học hỏi người đi trước.