Khởi động Dự án hợp tác Việt Nam – Châu Âu về việc làm cho sinh viên

GD&TĐ - Hôm nay (7/12) tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cùng Phái đoàn Châu Âu (EU) tổ chức lễ khởi động Dự án hợp tác Việt Nam – Châu Âu về việc làm cho sinh viên.

Bộ GD&ĐT cùng Phái đoàn Châu Âu khởi động Dự án hợp tác Việt Nam – Châu Âu
Bộ GD&ĐT cùng Phái đoàn Châu Âu khởi động Dự án hợp tác Việt Nam – Châu Âu

Dự buổi lễ có GS.TS Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ, đại diện các trường đại học tham gia dự án.

Về phía phái đoàn EU có ông Pereic Hӧgberg – Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam; Ông Alejandro Montalban – Trưởng bộ phận phát triển và hợp tác của phái đoàn EU tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Dự án hợp tác Việt Nam – Châu Âu về việc làm cho sinh viên diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu suất lao động trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập khu vực và thế giới.

Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác đào tạo đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giảm tình trạng thừa thầy thiếu thợ, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất, nắm bắt các xu thế việc làm và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên;

Dự án hợp tác Việt Nam – Châu Âu trong khuôn khổ chương trình ERAMUS về việc làm cho sinh viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học tại Việt Nam.

Dự án đồng thời tăng sức cạnh tranh và chất lượng của các trường đại học Việt Nam, trong đó có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là một trong các yếu tố quan trọng trong xếp việc hạng các trường đại học trong khuh vực và thế giới.

Chính phủ Việt Nam đang thực hiện triển khai đề án nâng cao năng suất và lao động để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp để sinh viên tốt nghiệp có tính cạnh tranh trên thị trường lao động;

Qua dự án này, các trường đại học Việt Nam sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm của các nước phát triển để triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia, góp phần thực hiện đề án lớn của Chính phủ về tăng năng suất lao động, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.

Tổng giá trị dự án khoảng 1,5 triệu EUR và cung cấp trực tiếp cho 5 trường đại học tham gia dự án và Viện Khoa học lao động và Xã hội nhằm xây dựng một trung tâm hướng nghiệp gồm các máy chủ và máy tính kết nối thu thập dữ liệu hệ thống thông tin.

Mục tiêu của “Dự án hợp tác Việt Nam – Châu Âu về việc làm cho sinh viên” nhằm thúc đẩy và hợp tác giữa các nước trong khối EU với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để nâng cao hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội; Nâng cao chất lượng đào tạo đại học; Giúp sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp; tăng cơ hội việc làm cho sinh viên và giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp tại nước sở tại.

Để khảo sát việc đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội và chuẩn bị cho đề xuất kỹ thuật để EU phê duyệt, đoàn chuyên gia của ĐH Uppsala, đơn vị điều phối dự án cũng đã làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ, TB &XH, một số cơ sở giáo dục đại học: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Hiện, Dự án đã được EU phê duyệt và cấp ngân sách để triển khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.