Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ: Cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện

GD&TĐ - Quyết định số 1895 vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực nhằm thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ.

Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ
Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1895 phê duyệt Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030". Với những mục tiêu cụ thể, Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo được chuyển biến tích cực nhằm thực hiện thành công mục tiêu giáo dục toàn diện cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ. Để có thêm thông tin, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh.

- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Quyết định số 1895 về Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030 vừa được Chính phủ ban hành?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản đồng bộ để triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030.

Chương trình 1895 là một trong số nhiệm vụ nhằm tiếp tục cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện, hướng tới cân bằng việc “Dạy chữ” và “Dạy người” trong các nhà trường. Việc “dạy chữ” cuối cùng cũng là để “dạy người” và việc “dạy người” cũng cần được thực thiện thông qua “dạy chữ”.

Chương trình đã được nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá của các chuyên gia, các bộ, ngành và đặc biệt là Trung ương Đoàn. Những nội dung trong Chương trình bám sát các quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; bảo đảm sự kế thừa và phát triển những ưu điểm của Đề án giai đoạn 2015-2020 và kết quả, bài học kinh nghiệm của 5 năm đổi mới. 

Chương trình cũng đã cập nhật quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII về "khơi dậy khát vọng cống hiến" cho thế hệ trẻ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới, Chương trình sẽ có những hoạt động triển khai thiết thực, hiệu quả, đem lại sự thay đổi về chất cho hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, góp phần xây dựng nguồn sức mạnh nội sinh cho đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh.

-  Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội với rất nhiều thông tin tiêu cực, thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của thanh niên, ngành giáo dục sẽ có giải pháp như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Không thể phủ nhận những tác động tích cực của mạng xã hội trong việc giao lưu, chia sẻ, kết nối thông tin, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, lối sống của thanh niên.

Để kiểm soát những thông tin này, ngành GD tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức của HSSV khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội; hình thành và phát triển ở HSSV kỹ năng nhận diện, làm chủ thông tin trên mạng xã hội; tăng cường giáo dục nền tảng giá trị sống cho HSSV để HSSV biết lấy cái đẹp, dẹp cái xấu.

- Mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT là "Dạy chữ đi đôi với Dạy người". Bộ GD&ĐT đã và sẽ đổi mới phương pháp dạy các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Lý luận chính trị theo hướng nào để phù hợp?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Đối với các môn học này, Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới đồng bộ từ nội dung, phương pháp, hình thức dạy học đến kiểm tra, đánh giá theo định hướng hình thành, phát triển năng lực người học. Trong đó tập trung vào những nội dung cơ bản, đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

Đồng thời phát huy hiệu quả của phương pháp dạy học tích cực, kích thích tư duy người học, phát huy sự chủ động, sáng tạo của người học, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá khả năng luyện tập, thực hành, vận dụng kiến thức vào việc giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.

Ngoài việc đổi mới các môn học trên, Bộ GD&ĐT tích cực chỉ đạo việc tích hợp GD đạo đức, lối sống trong các môn học khác: Ngữ văn, Lịch sử,... và Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Điều này được thể hiện rõ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sẽ được thực hiện theo lộ trình trong thời gian tới.

Tăng cường kết hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, với giáo dục đạo đức và pháp luật, giáo dục lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi.
Tăng cường kết hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, với giáo dục đạo đức và pháp luật, giáo dục lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi.

- Trường học, gia đình, xã hội gắn liền với quá trình trưởng thành của học sinh. Theo Thứ trưởng, cần tăng cường phối hợp ra sao để nâng cao cộng đồng trách nhiệm giữa các tổ chức này trong giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng cho thế hệ trẻ?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Nhà trường - gia đình - xã hội là 3 môi trường hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp, củng cố để phát triển nhân cách HS một cách toàn diện. Khi có được sự cộng hưởng của ba môi trường này, HS sẽ có được nền tảng để khẳng định bản thân. 

Để nâng cao cộng đồng trách nhiệm của các thành tố này, cần tập trung vào các hoạt động: tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục HSSV và xây dựng môi trường GD gia đình, hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện, phát triển tiềm năng; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, chia sẻ, hỗ trợ gia đình, cộng đồng và tổ chức xã hội về phương pháp GD HSSV; nâng cao hiệu quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS; yêu cầu các cấp ngành của địa phương nâng cao trách nhiệm, phát huy thế mạnh của nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác GD HS phát triển toàn diện.

Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là hai đơn vị đồng chủ trì thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2020. Đồng hành với ngành Giáo dục, giai đoạn 2022-2025, Trung ương Đoàn chủ trì Đề án Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV trên không gian mạng.

Thông qua các tổ chức Đoàn cơ sở và các tổ chức Đội TNTP, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam tích cực phối hợp để tổ chức các chương trình, cuộc thi, hội thi, diễn đàn, phong trào, hành động cách mạng: Tôi yêu Tổ quốc tôi, Học sinh 3 tốt, Sinh viên 5 tốt, tình nguyện vì cộng đồng; kết hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, với giáo dục đạo đức và pháp luật, giáo dục lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi.

- Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” đưa ra những mục tiêu rất cụ thể. Thời gian tới ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh và chú trọng vào những vấn đề gì trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chương trình đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong thời gian tới, ngành giáo dục tập trung vào việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại để kết quả đạt được của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thực sự thuyết phục xã hội. Bộ sẽ tiếp tục ban hành chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá; công tác thi đua, khen thưởng...

Tuy nhiên, nếu chỉ bằng nỗ lực của ngành Giáo dục, kết quả sẽ khó đạt được như những gì mà chúng ta mong đợi cũng như khó đáp ứng được những đòi hỏi tất yếu của thực tiễn. Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các gia đình và toàn xã hội để thanh niên, thiếu niên, nhi đồng được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện, xứng đáng chủ nhân tương lai của đất nước.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.