Khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện dự thảo lần thứ 5 của Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp

Chiều 22/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” theo hình thức trực tuyến.

Dự cuộc họp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, lãnh đạo các Vụ Cục liên quan của Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) – thường trực Ban soạn thảo - cho biết: Sau buổi họp đầu tiên ngày 20/4, Ban soạn thảo đã triển khai bước tiếp theo xây dựng đề án theo kế hoạch.

Qua 4 lần góp ý từ việc xin ý kiến các thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập, bộ phận thường trực đã tổng hợp tiếp thu, thảo luận, tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các đơn vị, báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng trước khi gửi xin ý kiến các địa phương, để hoàn thiện dự thảo lần thứ 5.

Thường trực Ban soạn thảo đã nhận được 62 ý kiến góp ý, trong đó có 16 ý kiến của các Bộ ngành Trung ương, 40 UBND tỉnh, thành phố, 6 cơ sở giáo dục đại học. Đa số ý kiến đều nhất trí cao đối với dự thảo Đề án, đánh giá Bộ GD&ĐT đã cầu thị nghiêm túc trong quá trình xây dựng Đề án, đánh giá nội dung dự thảo có ý tưởng mới, công phu, khoa học, nghiêm túc.

Đại diện Thường trực Ban soạn thảo trình bày Dự thảo Đề án
Đại diện Thường trực Ban soạn thảo trình bày Dự thảo Đề án

Trong Dự thảo của Đề án, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là một việc lớn, hệ trọng và lâu dài cho hiện tại và tương lai của đất nước, cần được thực hiện liên tục, xuyên suốt tất cả các cấp học và là một phần của giáo dục suốt đời.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng cần phải đổi mới từ nội dung đến hình thức, nhận thức đến hành động trong định hướng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Giáo dục đạo đức gắn chặt với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động hướng nghiệp, góp phần khắc phục những quan điểm đạo đức lạc hậu, sự lệch chuẩn về nhân cách, chống lại và tạo ra cơ chế phòng ngừa các biểu hiện phản đạo đức, phản văn hóa trong mỗi TNTNNĐ với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước.

Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống truyền thống phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự phát triển của tình hình thanh niên trong bối cảnh, tình hình mới; đồng thời nhận diện và kiến tạo thêm các giá trị mới trong bối cảnh giáo dục đang tích cực chuyển đổi số thích ứng với nền kinh tế số, xã hội số.

Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp
Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GDĐT, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường học khẳng định tầm quan trọng của Đề án, đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện dự thảo.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong nỗ lực hoàn thiện Đề án. Khẳng định đây là đề án khó, lĩnh vực rộng, đòi hỏi cần có sự quan tâm của nhiều bộ ngành liên quan. Các ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học tập trung vào nhiều vấn đề, cơ bản đồng ý với nội dung của Đề án này. Tuy nhiên còn nhiều kỳ vọng mong muốn cần tiếp tục hoàn thiện.

Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo sau cuộc họp cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, đại diện bộ ngành để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Bộ phận thường trực cần tiếp thu giải trình chọn theo nhóm, hoàn thiện tờ trình thuyết minh Đề án, xem lại một số mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.