Hội nghị thảo luận về một số nội dung liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2020-2021.
Các cơ sở giáo dục không tổ chức tựu trường trước ngày 1/9
Phát biểu đề dẫn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tới đây Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 là sự kiện lớn của ngành Giáo dục, do đó công tác chuẩn bị và các báo cáo cần được làm cẩn thận, chu đáo.
Các trường và giáo viên không nên lạm dụng giấy khen dẫn đến tác dụng ngược. Để xảy ra trường hợp nào ở địa phương mình thì giám đốc Sở GD&ĐT sẽ phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng chỉ đạo, các cơ sở giáo dục không tổ chức tựu trường trước ngày 1/9 và thống nhất toàn quốc tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Đồng thời kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Căn cứ vào thực tiễn, Bộ sẽ ban hành Chỉ thị năm học mới sát với tình hình của địa phương.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Đây cũng là năm học diễn ra Đại hội Đảng cấp tỉnh/thành phố, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Do đó, nếu khởi đầu tốt đẹp sẽ góp phần vào thành công của cả năm học.
Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa đối với lớp 1, cần tiếp tục hoàn hiện tài liệu giáo dục địa phương; có thể thực hiện theo hình thức học liệu số, các địa phương chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Bên cạnh hướng dẫn giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới đối với lớp 1, trong năm học tới, các địa phương cần chủ động lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sau khi được Bộ thẩm định, phê duyệt. Địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, nhà phân phối để cung cấp đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh, tuyệt đối không để tình trạng thiếu sách giáo khoa trong năm học mới.
Nhấn mạnh sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng lâu dài, Bộ trưởng lưu ý: các địa phương cần quán triệt: không để sách tham khảo nhiều hơn sách giáo khoa; đồng thời kêu gọi học sinh, phụ huynh nói không với sách lậu.
Nêu thực trạng về một số địa phương dồn dịch, sáp nhập điểm trường một cách cơ học, dẫn đến hiệu quả và chất lượng không cao, Bộ trưởng đề nghị: Sở GD&ĐT cần tham mưu với tỉnh xây dựng đề án về cơ sở vật chất trường lớp; trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có căn cứ để đầu tư theo lộ trình và đầu tư có hiệu quả.
Về chuẩn bị đội ngũ giáo viên, các trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP (Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) cần tiếp tục thực hiện bồi dưỡng giáo viên; chú trọng vào đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh; cách quản trị nhân lực và quản trị tài chính.
Riêng đối với giáo viên lớp 1, Bộ trưởng lưu ý, không bố trí những giáo viên không đạt yêu cầu đứng lớp. Các sở GD&ĐT có thể tham mưu với tỉnh xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực và đề xuất đưa nội dung này vào văn kiện của Đại hội Đảng.
"Hiện nay, dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, nhưng chúng ta không được chủ quan và phải chủ động trước mọi tình huống có thể phát sinh. Phải bảo đảm an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường. Đồng thời, chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho học sinh để các em được phát triển toàn diện" – Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ sẽ có khảo sát đề án trường chuyên để đánh giá tổng kết đề án này.
Cẩn thận, chu đáo đến từng khâu nhỏ nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có nội dung chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; dự thảo kế hoạch thời gian năm học; công tác tổng kết năm học 2019-2020...
Đồng tình với các các báo cáo của Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo địa phương ghi nhận và đánh giá cao công tác chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ trong thời gian qua. Với tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn, tại hội nghị, Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đại diện lãnh đạo các vụ cục đã chia sẻ, trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề, băn khoăn của địa phương; đặc biệt liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ lớp 1 năm học 2020-2021.
"Thời gian qua, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ "kép" nên được Chính phủ và xã hội đánh ghi nhận, nếu Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 thành công thì chúng ta sẽ có một năm học trọn vẹn" – Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh: Tuyệt đối không được chủ quan, phải cẩn thận, chu đáo đến từng khâu nhỏ nhất của Kỳ thi.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã thành công tốt đẹp, được xã hội ghi nhận. Trên tinh thần ấy, Kỳ thi năm nay cần kế thừa và tiếp tục phát huy, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Việc chọn trưởng điểm thi có vai trò quan trọng nên cần quan tâm yếu tố: năng lực, tâm huyết và trách nhiệm. Ngoài ra, Sở cần chủ động cung cấp đầy đủ thông tin cho các đại biểu quốc hội về GD-ĐT của địa phương, tránh trường trường hợp các đại biểu không có đầy đủ thông tin về các hoạt động của ngành.
Mặt khác, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo lòng tin của nhân dân với giáo dục.
Bộ trưởng lưu ý, cần xây dựng tuyến thông tin thông suốt và phân loại nội dung để có hướng giải quyết: Những vấn đề nào thuộc cấp Bộ thì Bộ sẽ giải quyết và những vấn đề nào thuộc cấp phòng, cấp sở GD&ĐT thì cấp đó sẽ giải quyết. Tinh thần là hỗ trợ song phương và đa phương để giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc.