Sáng 18/6, lễ khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM và hai cao tốc trục ngang gồm Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hoà - Vũng Tàu được tổ chức với hình thức trực tuyến.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM được phân chia làm 8 dự án thành phần; theo kế hoạch, sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên, cấp đường ô tô đô thị 60 km/h.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5 km; tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng.
Dự kiến khi đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2027, tuyến cao tốc góp phần hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hệ thống trục dọc (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường bộ ven biển).
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54 km; tổng mức đầu tư sơ bộ là 17.837 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ kết nối với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Giai đoạn 1 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2026.
Hoàn thành mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, 3 dự án trên là các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải.
Theo Thủ tướng, trong giai đoạn 2000-2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc. Trong khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Như vậy, giai đoạn năm 2021-2030, cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm trước. Trong đó, đến năm 2025, cần đạt được ít nhất 3.000 km cao tốc và giai đoạn 2026 - 2030 có thêm 2.000 km nữa.
Từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay, cả nước đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đang khai thác của cả nước lên 1.729 km.
Các dự án đang thi công có tổng chiều dài 350 km. Các dự án khởi công từ đầu năm 2023 có tổng chiều dài 1.406 km.
“Như vậy, cùng với 1.729 km đã đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6/2023 là 1.756 km; nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì cơ bản chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km vào năm 2025”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: Thành Nhân |
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt trong quá trình triển khai các dự án. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm chất lượng; tiến độ; an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái.
Việc thực hiện không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu.
Quá trình triển khai các dự án bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm.