Khỏe trong ngày rét

GD&TĐ - Đợt rét những ngày đầu năm mới 2019, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã phải trải qua những ngày rét đậm, rét hại kéo dài với nền nhiệt trên dưới 10 độ C. Đây cũng không phải là điều bất thường so với các năm, nhưng dẫu thế thì việc phòng tránh rét vẫn rất cần được lưu tâm.

Khỏe trong ngày rét

Nguy hiểm cho trẻ em, người già

Trong tuần đầu tháng 1/2019, thông tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, thời tiết giá rét khiến số bệnh nhân đột quỵ gia tăng.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Bạch Mai cho biết, trong tổng số 130 - 140 bệnh nhân cấp cứu được đưa đến khoa mỗi ngày, có 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ. Thực tế cho thấy, vào các đợt rét, bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10 - 20% so với ngày thường.

Nguyên nhân đột quỵ có nhiều, bao gồm những người vốn sẵn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá…

Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ khi đi tập thể dục lúc sáng sớm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Tập thể dục là một thói quen tốt cho sức khỏe nhưng cũng cần lựa chọn môi trường tập luyện phù hợp để không gây tác dụng ngược cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia y tế, trong những ngày giá rét, không nên dậy sớm ra ngoài đi bộ từ 4 - 5 giờ sáng. Có thể tập muộn hơn vào lúc trước và sau 8 giờ sáng, hoặc là vào lúc 4 - 5 giờ chiều. Cần chú ý phải tập ở nơi kín gió.

Nhiệt độ xuống quá thấp cộng với luồng không khí lạnh tăng cường là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, ngoài đột quỵ thì viêm đường hô hấp là phổ biến. Nhất là với trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.

Ngược lại, với người từ 60 tuổi trở lên, thể trạng yếu, cơ thể khó chống chọi với nhiệt độ lạnh nên thường gặp các bệnh về huyết áp, tim mạch, xương khớp...

Để khỏe mạnh trong ngày đông giá

Có nhiều cách để áp dụng, nhưng tốt nhất là phải theo lời khuyên của các chuyên gia y tế. Sau đây là những khuyến cáo có thể tham khảo.

- Đi bộ, ngay cả vào những ngày thời tiết rất lạnh. Cơ thể phải làm việc thêm công suất để giữ ấm và bạn có thể đốt cháy nhiều hơn 50% lượng calo so với cùng mức đi bộ như vậy vào mùa hè. Tuy nhiên, hãy nhớ, đi từ từ cho tới khi bạn thấy người ấm lên và nhớ uống đủ nước.

- Vẫn phải tập đều nếu không muốn viêm gân và rạn xương. Không chỉ hệ cơ, gân và xương cũng cần được luyện tập để luôn dẻo dai, hoạt động tốt.

- Uống nước thảo mộc có tác dụng làm ấm cơ thể.

- Hướng tới các môn thể thao trong nhà. Nếu có điều kiện hãy luyện tập ở bể bơi có mái che và nước không quá lạnh.

- Điều hòa nhiệt độ và máy sưởi trong nhà có thể làm khô da. Vì thế hãy uống nhiều nước hơn và nếu có thể hãy sử dụng kem giữ ẩm.

- Khi mắc cảm lạnh hay cảm cúm, nếu các dấu hiệu viêm nhiễm chỉ có từ cổ trở lên (mũi, họng) thì vẫn có thể tập luyện những bài cường độ thấp. Tuy nhiên, nếu có tức ngực, đau cơ thì phải nghỉ ngơi.

Để thoải mái trong thời tiết lạnh, cần biết cách giữ ấm dựa trên việc hiểu được cơ sở khoa học về sự truyền nhiệt. Loren

Greenway - Giám đốc Trung tâm y tế Wilderness (thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ) cho rằng, muốn giữ ấm phải nắm được hai nguyên tắc quan trọng: Tính dẫn nhiệt và sự đối lưu nhiệt. Tính dẫn nhiệt là sự truyền nhiệt giữa hai bề mặt cứng có tiếp xúc trực tiếp với nhau, ví dụ như khi phải đứng trên đường đóng băng.

Còn sự đối lưu nhiệt là sự truyền nhiệt giữa một khối (chẳng hạn như cơ thể) và một dung dịch hay khí di chuyển, ví dụ như một cơn gió lạnh quất vào từng thớ thịt. Hiểu được hai cơ chế này, con người sẽ biết cách điều hòa thân nhiệt, giữ ấm và an toàn trong những ngày lạnh giá.

Tránh thói quen xấu

Những ngày giá rét, thường người ta lười vận động mà co ro trong quần áo ấm, chăn đệm mà không nghĩ rằng đó là thói quen xấu đối với sức khỏe. Uống ít nước, mặc quá nhiều quần áo dày, ngủ nướng... là những sai lầm nhiều người hay mắc phải vào mùa đông không có lợi cho cơ thể. Từ đó, người ta dễ bị mắc các bệnh như cảm cúm, ho, dị ứng, sốt... Thu mình để chống chọi với cái giá lạnh của mùa đông là cách nghĩ sai lầm, không muốn nói là có hại cho sức khỏe.

Sau đây là những khuyến cáo cần thiết đến từ giới chuyên gia y tế.

- Không được uống ít nước: Những ngày giá rét, người ta thường ít uống nước do không có cảm giác khát như mùa hè do ít hoạt động thể chất hơn, những vận động bình thường cũng bị hạn chế, do đó, cơ thể không cảm thấy khát. Tuy nhiên, nếu không uống đủ nước, cơ thể sẽ bị mất nước, gây ra nhiều bệnh tật và các vấn đề sức khỏe về thận, khó tiêu...

- Mặc quá nhiều quần áo: Để chống rét, nhiều người vẫn hay mặc nhiều quần áo, nhất là những bộ trang phục dày. Điều đó giúp ta cảm thấy ấm áp hơn, nhưng đó không phải là cách khôn ngoan. Vì, mặc quá nhiều quần áo sẽ khiến cơ thể bị quá nóng hoặc đổ mồ hôi, vận động khó.

Khi mồ hôi bốc hơi, do không thoát ra ngoài được sẽ khiến người ta cảm thấy lạnh. Vì thế, lời khuyên đưa ra là mặc quần áo đủ để giữ ấm cho cơ thể, đồng thời giữ độ ẩm cho da là cách tốt nhất cho mùa đông.

- Mang tất khi đi ngủ: Không ít người vẫn nghĩ rằng găng tay và tất chân là cách tốt nhất để giữ ấm 2 bộ phận thường xuyên bị lạnh này. Tuy nhiên, đây lại là 2 bộ phận quan trọng trên cơ thể giúp con người thích nghi với thay đổi nhiệt độ theo mùa.

Đeo tất, găng tay trong lúc ngủ sẽ cản trở lưu thông máu, đặc biệt là dòng máu từ các chi trở về tim. Điều đó gây ra nguy cơ bị đông máu ở các chi.

- Ăn uống thoải mái: Đây cũng là cách nghĩ sai lầm khi cho rằng ăn nhiều cơ thể sẽ nóng lên do được bổ sung năng lượng. Nhưng nhiều món ăn quen thuộc trong mùa đông lại là những món nhiều mỡ, giàu chất béo không hề có lợi cho cơ thể.

- Ngủ nướng: Đây là thói quen của nhiều người, không chỉ người già mà cả ở người ít tuổi. Cuộn mình trong chăn ấm không hẳn đã tốt khi thay đổi chu kỳ sinh học thông thường.

Và, cũng cần nói thêm rằng, thói quen sấy quần áo trong nhà là khá nguy hiểm khi tác động nhiệt vào những quần áo ẩm vô tình phát tán các vi khuẩn có hại, tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ em và người già.

Để giữ ấm cho cơ thể trong những ngày lạnh giá, cần lưu ý giữ ấm những bộ phận dễ bị lạnh như cổ, tai, mũi, tay, chân, lưng... Khi ra khỏi nhà cần mặc áo khoác chất liệu chắn gió, đeo khẩu trang. Cũng nhớ rằng phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhưng không ăn quá nhiều vào ban đêm. Không nên uống rượu bia khi đi ra ngoài trời lạnh tránh bị đột quỵ. Không nên ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh. Tuyệt đối không tắm khuya, tắm quá lâu, hoặc tắm nơi không kín gió.
Theo Livescience, Healthstatus.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ