Khoẻ thể lực, vững tâm lý – Bí quyết thi cử thành công

GD&TĐ - Để có một kỳ thi đạt kết quả tốt, yếu tố sức khoẻ và tâm lý có vai trò vô cùng quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, chuẩn bị một tâm thế tự tin, thoải mái là thí sinh đã đi được phân nửa chặng đường thành công.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: IT)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: IT)

Ăn đủ và ngủ đủ

Dinh dưỡng và giấc ngủ là hai thành tố quan trọng giúp cơ thể khoẻ mạnh và dồi dào năng lượng. Khi ở trạng thái sức khoẻ dồi dào sẽ giúp thí sinh dung nạp kiến thức một cách tốt nhất cho kỳ thi.

Theo TS. DS Nguyễn Quốc Hoà - Giảng viên bộ môn Dược lâm sàng, khoa Dược- Trường ĐH Y dược TP.HCM: Giấc ngủ rất quan trọng với cơ thể trong việc thúc đẩy quá trình “sửa chữa” những hư tổn của cơ thể, giải tỏa căng thẳng và hồi phục chức năng của não bộ.

Ngoài ra, giấc ngủ còn có vai trò quan trọng trong khả năng ghi nhớ. Việc thiếu ngủ, đặc biệt do học ôn liên tục hoặc do căng thẳng có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng ghi nhớ, học tập của các em.

Vì vậy, việc ngủ đủ giấc mỗi ngày (thông thường từ 6-8 tiếng) rất quan trọng trong việc giữ sức khỏe và giữ cho thể trạng, tâm lý của các em ổn định trong lúc học thi.

Chế độ ăn uống khoa học rất quan trọng vì cung cấp chất dinh dưỡng có lợi và bổ sung đầy đủ năng lượng cho sĩ tử trong mùa thi. Về cơ bản, các em nên ăn uống đầy đủ chất (đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất), và đúng bữa (tránh tình trạng bỏ bữa như bữa sáng).

Với mỗi bữa ăn, các em nên ăn vừa phải, không nên ăn quá no. Các thực phẩm thức ăn nhanh chế biến sẵn như gà rán, thịt đóng hộp, hoặc thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, nước có ga… cần hạn chế tối đa vì có thể làm tăng tâm lý căng thẳng, tăng nguy cơ rối loạn lo âu và trầm cảm.

Các thực phẩm tươi như rau củ, trái cây, các loại hạt/đậu cần được khuyến khích ăn vì cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể và não bộ. Ngoài các bữa chính, các em có thể bổ sung các bữa phụ khi cần hoặc cảm thấy đói.

Thực phẩm các bữa phụ nên là sữa, ngũ cốc, trái cây. Ngoài ra, việc bổ sung nước đầy đủ theo nhu cầu cơ thể rất quan trọng vì liên quan đến khả năng tập trung và hoạt động của não bộ.

Ngoài ra, các bạn học sinh thường hay có tâm lý ngủ bù, nghĩa là thức khuya học bài trong tuần và để cuối tuần ngủ bù lại. Thực tế, việc ngủ bù không thể bù đắp khoảng thời gian các em thiếu ngủ trong tuần.

Bên cạnh đó, ngủ kéo dài (như từ 9-10 tiếng trở lên) cũng có thể làm cơ thể mệt mỏi, đờ đẫn khi thức dậy, giảm khả năng tập trung học tập.

Như trường hợp của em, em nên dành một buổi sắp xếp lại việc học để làm sao mỗi ngày đều ngủ đủ giấc (từ 6-8 tiếng). Ngoài ra, do đặc trưng khí hậu tại Việt Nam, đặc biệt vào mùa hè, giấc ngủ trưa cũng đóng vai trò quan trọng cho não bộ nghỉ ngơi trước khi hoạt động vào khoảng thời gian còn lại trong ngày.

Thời gian ngủ trưa tối ưu nên từ 10-20 phút (nếu em cảm thấy cần thời gian ôn tập) hoặc trong 90 phút (nếu em cảm thấy cơ thể mệt mỏi cần thời gian nghỉ ngơi). Không nên ngủ ngoài thời gian này (ví dụ trong 60 phút) vì sẽ không khớp với chu kỳ giấc ngủ sinh học, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.

Cũng theo TS. DS Nguyễn Quốc Hoà: Ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên, để chăm sóc toàn diện, có một thể lực sung mãn nhất, các em có thể áp dụng nguyên tắc 3T.

Chữ “T” đầu tiên là “Thể dục-thể thao”, là phương pháp rất hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng, đặc biệt với bất kỳ hoạt động nào các em thích, từ đá banh, chạy bộ, bơi lội, cho đến yoga, nhảy hiện đại hay múa.

Chữ “T” thứ hai là “Thực phẩm” vì dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp các em có thêm nguồn năng lượng tốt cho cơ thể. Các thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, các loại hạt bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đặc biệt cho bộ não. Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể cũng quan trọng vì sẽ giúp duy trì tốt hoạt động của cơ thể trong ngày.

Chữ “T” cuối cùng là “Tinh thần”, nghĩa là các em nên luôn giữ tinh thần sảng khoái, ổn định bằng cách ngủ đủ giấc (6-8 tiếng/ngày), sắp xếp giờ học-giờ nghỉ hợp lý, có thời gian kết nối với mọi người, kể cả người thân trong gia đình.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Bình tĩnh và tự tin

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TPHCM cho rằng: Bình tĩnh, tự tin luôn đóng vai trò quan trong đối với mọi thành công. Đặc biệt, đối với các thí sinh chuẩn bị “vượt vũ môn” thì điều này càng quan trọng. Ở lứa tuổi học sinh, đang còn nhiều biến đổi về tâm sinh lý, bởi vậy, riêng ở giai đoạn ôn thi, sự quan tâm của phụ huynh là vô cùng cần thiết.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, phụ huynh cần thể hiện sự quan tâm rõ ràng nhất, nhưng không gây áp lực căng thẳng cho con mình. Thường xuyên động viên con cố gắng học tập; Chế độ dinh dưỡng, ăn uống, ngủ, nghỉ ngơi phải theo cùng con.

Cùng với đó, phụ huynh cũng cần nắm được những quy định, quy chế trong việc thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH năm 2021 để hỗ trợ con mình trong việc làm hồ sơ, thủ tục. Nắm lịch thi để đưa đón đúng giờ, đúng ngày, nhắc con chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để các con an tâm nhất khi bước vào kỳ thi.

Lưu ý, tránh những việc như tổ chức tiệc tùng, hạn chế đi du lịch... vì chúng ta phải bảo vệ các con có sức khoẻ tốt nhất trước diễn biến khó lường của tình hình dịch Covid-19.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: IT)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: IT)

Còn ThS. BS tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn - Giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, để con em chúng ta chuẩn bị bước vào kỳ thi được tốt hơn, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số nguyên tắc:

Nguyên tắc 1: Không nên tạo thêm áp lực hoặc gán đặt suy nghĩ của mình lên các cháu. Như là việc lựa chọn ngành nghề, đang là một thực trạng mà một số gia đình mắc phải. Chúng ta nên có sự trao đổi và để con em mình có quyết định chọn lựa nghề nghệp. Nếu lần đầu nghe quyết định của con trái với ý mong muốn của mình thì chúng ta nên lắng nghe, chia sẻ suy nghĩ của mình với con, hoặc có những định hướng rồi để con tự quyết định.

Nguyên tắc 2: Chia sẻ, gần gũi, biểu lộ sự yêu thương bằng hành động và lời nói để các cháu cảm nhận, tin tưởng, xem ba mẹ là điểm tựa vững chắc.

Khoẻ thể lực, vững tâm lý – Bí quyết thi cử thành công ảnh 3
Click vào ảnh để xem nội dung

Nguyên tắc 3: Tạo điều kiện để các cháu thư giãn, vui chơi cùng gia đình, bạn bè ít nhất 1 lần/tháng.

Nguyên tắc 4: Giúp các cháu tổ chức quản lý thời gian học tập, rèn luyện thể lực, phụ giúp (hoặc sinh hoạt)… cùng gia đình hàng ngày.

Nguyên tắc 5: Khi cháu có những biểu hiện bất thường về tâm lý hoặc hiệu quả học tập (ví dụ như buồn bã, ít nói hoặc không nói, bồn chồn lo lắng, hoặc nói những lời như trăn trối, mất ngủ, học tập giảm sút, học không nhớ… thì phải kề cận bên cháu chia sẻ, tìm hiểu những khó khăn cháu gặp phải để cùng tìm hướng giải quyết và sớm đưa cháu đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hoặc trị liệu.

“Các em nên biết tâm lý lo lắng là điều bình thường với cơ thể khi phải đối diện với áp lực, ở đây là kỳ thi tuyển sinh đại học-cao đẳng. Tâm lý lo lắng đôi khi cũng có lợi vì thôi thúc bản thân tích cực chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi sắp tới; dù vậy, tâm lý lo lắng kéo dài có thể phản tác dụng, khiến cơ thể mệt mỏi, mất tập trung và giảm năng suất học tập.

Vấn đề cốt lõi ở đây là các em càng thiếu tự tin thì sẽ càng lo lắng (ví dụ, thiếu tự tin vì không nhớ bài, hiểu bài do học dồn trong thời gian ngắn). Vì vậy, chiến lược quan trọng nhất là các em cần nâng cao sự tự tin này lên, bằng cách có kế hoạch học tập một cách khoa học, ôn tập từ sớm và hạn chế học dồn” - TS. DS Nguyễn Quốc Hoà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.