Là một người trẻ của thời đại 4.0, được tiếp nhận những sản phẩm qua màn ảnh là thành tựu của công nghệ khoa học phát triển, thật khó có thể khiến tôi hình dung ra được thời kỳ làm nghề truyền hình ngày xưa… lạ lẫm đến thế nào. Những câu chuyện dở khóc dở cười, những trải nghiệm “khó đỡ” và không thể quên khi làm nghề như được sống lại qua lời kể đầy sinh động của thế hệ đầu tiên đài truyền hình Việt Nam (VTV).
Hai MC kỳ cựu là Anh Tuấn và Diễm Quỳnh bỗng thật non trẻ khi ngồi cùng dàn đạo diễn, ê-kíp VTV đời đầu. Đó là cô Bùi An Ninh (đạo diễn Ban Văn nghệ), cô Kim Tiến (thuyết minh phim truyện), cô Diệu Vân; chú Văn Vinh (phụ trách quay phim), cô Hương Liên (phụ trách Hộp thư truyền hình), nghệ sĩ Đức Khuê, cùng nhau ngồi lại và “Bật Tivi, tìm ký ức”. Thoáng trên khuôn mặt các cô chú nét vui mừng hạnh phúc sau nhiều năm gặp lại.
Có lẽ chưa cần phải phỏng vấn, chỉ cần nhìn thấy gương mặt nghệ sĩ Đức Khuê là cả một bầu trời kí ức về những vai diễn mộc mạc, hài hước của anh lại hiện về. Câu nói kinh điển: “Trời không mưa sao lại mặc áo mưa?” của anh dường như vẫn còn như mới, chưa hề... lỗi mốt.
Cô Bùi An Ninh là người đã theo bước chân MC Anh Tuấn, Diễm Quỳnh từ lúc cả hai mới bước chân vào nghề. Đến giờ nhớ lại, Anh Tuấn vẫn còn nhớ như in sự nghiêm khắc của cô. Lúc nào tới trường quay cũng đã nghe thấy tiếng cô đang kiểm tra nhắc nhở mọi người trước khi lên sóng, nào trang phục, tóc tai, phong thái,… đã chỉn chu hay chưa, đủ điều kiện lên sóng hay chưa! Chắc bởi lẽ cô phụ trách mảng Văn nghệ, nên từng chi tiết nhỏ cũng không lọt qua nổi mắt cô.
Nhưng phải có sự nghiêm khắc đó mới có MC Anh Tuấn, Diễm Quỳnh ngày hôm nay. Cô An Ninh cũng là người ngày đêm đau đáu nghĩ làm cách nào để đưa văn nghệ nước ngoài xâm nhập vào thị trường truyền hình Việt Nam, cô cảm thấy có những giai điệu, bài hát hay, rất muốn chia sẻ để giới trẻ Việt Nam biết tới.
Thời đó cô và rất ít người trong đài biết tiếng Anh, chỉ có “cậu MC Anh Tuấn” thời đó là rành rọt, kiên nhẫn ngồi dịch lời bài hát tiếng Anh cho cô nghe, để cô hiểu rõ hơn về bài hát. Chính đạo diễn Bùi An Ninh đã làm nên chương trình âm nhạc MTV đình đám thời bấy giờ!
Chia sẻ sâu hơn vào câu chuyện làm nghề thời ban đầu đầy khó khăn, cô Diệu Vân cho biết, đi cùng VTV ngày đầu làm những tin phóng sự, thời đó phải đi làm tin mà thậm chí còn không biết mình phải làm những gì!
Lúc đó không hề được biên tập cắt ghép như bây giờ, quay như thế nào là phát trực tiếp lên sóng tivi mọi người xem như thế ấy. Run lắm! Mà máy quay nào có xịn gì cho cam. Máy chỉ lấy được nét ở một vị trí cố định. Trước khi quay, mấy anh chị em phải lao vào tìm vị trí đứng nào để lấy được nét, sau đó bắt phóng viên đứng đúng một chỗ đó cấm di chuyển!
Anh em xung quanh người thì làm nhiệm vụ chiếu sáng, người thì cầm mic, tất cả phải đứng đúng một vị trí, không được cử động! Cô Diệu Vân kể lại thật sống động như đây là chuyện vừa hôm qua thôi vậy! Cô chia sẻ thêm, đến giờ ngồi kể lại, cảm xúc vẫn y nguyên ban đầu: “Sợ, rất sợ! Kể lại rồi mà tôi vẫn thấy sợ! Nhưng sợ mấy rồi cũng xong!”.
Chú Văn Vinh thì bồi hồi xúc động kể lại trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến đi công tác với anh Lại Văn Sâm. Khi đó đang hợp tác với đoàn làm phim nước ngoài sang Việt Nam làm phim tư liệu, lấy bối cảnh miền tây sông nước Cần Thơ từ trên cao, quay trên trực thăng.
Chú Văn Vinh vinh dự được ngồi trực thăng thăm thú cảnh đất nước từ trên cao. Trực thăng khi ấy nhỏ, chỉ ngồi được hai người, một phi công, một quay phim. Anh Lại Văn Sâm ở dưới thấy vậy không khỏi… ghen tỵ, nhưng sau đó cũng được đoàn làm phim cho “đi bay” một vòng!
Nếu ai là khán giả trung thành của VTV từ những năm đầu thì chắc quá quen với giọng đọc thuyết minh phim truyện lôi cuốn của cô Kim Tiến. Kỉ niệm thì có tận một trời kỉ niệm, nhưng ấn tượng về tai nạn nghề nghiệp nhỏ này hôm nay trên sóng Quán Thanh xuân được cô Kim Tiến chia sẻ.
Thời bấy giờ, công việc thuyết minh của cô phải đòi hỏi sự tập trung cao độ, sự nhanh nhạy, bởi cùng một lúc cô vừa phải đeo tai nghe để phân tích giọng đọc của nhân vật, mắt thì vừa nhìn màn hình chiếu phim, lại vừa phải lia xuống đọc văn bản hội thoại sao cho khớp thời gian.
Cũng giống như cô Diệu Vân, cô Kim Tiến cũng phải thuyết minh… trực tiếp! Sóng truyền hình đang phát phim, cũng là lúc cô phải ngồi “canh” hội thoại để đọc! Chuẩn bị vào phim, cô phải vào phòng riêng để thu âm, tổ phát sóng ở bên ngoài lại đang bàn luận với nhau về suất chiếu bóng đá sau khi kết thúc phim.
Thế nào họ lại nhầm lẫn chiếu luôn tệp phim bóng đá trong lúc đang giờ chiếu phim của cô. Nghĩa là tai cô thì vẫn nghe được tiếng phim trùng khớp với khán giả trên sóng truyền hình, chỉ khác là màn hình khán giả vẫn đang chiếu phim, còn màn hình của cô thì lại là chương trình bóng đá! Tá hỏa, cô quay ra vẫy tay tổ phát sóng nhưng không ai để ý, mà phim thì đang phát rồi.
Lúc đó đoạn hội thoại của nhân vật lại là nam - nam, rất khó để cô có thể lắng nghe và phân biệt tiếng nhân vật để không làm ảnh hưởng, đọc sai đoạn hội thoại. Vậy mà cái khó, cái sợ nào rồi cũng xong! Cô vẫn thuyết minh ngon lành, nhưng tai thì vừa phải nghe, mắt vừa phải đọc, tay thì không ngừng vẫy ra phía ngoài kia để ra hiệu cho tổ phát sóng nhận ra lỗi.
Những tràng cười không ngớt khi nghe các cây đại thụ trong ngành truyền hình tâm sự lại chuyện làm truyền hình nửa thế kỷ trước. Quán Thanh xuân khép lại với bài hát “Con kênh xanh xanh” luôn được phát sau khi kết thúc các chương trình truyền hình, đưa khán giả về lại với những kỉ niệm xưa khi ngồi trước màn hình tivi.
Ca khúc được thể hiện bởi thế hệ những MC trẻ, cũng là món quà gửi tặng cho các bậc tiền bối, nhờ có họ, mới có truyền hình VTV ngày một phát triển lớn mạnh như bây giờ.
Dù là người ở thế hệ trẻ, không am hiểu nhiều về công việc của người làm truyền hình, nhưng nhờ số phát sóng này của Quán Thanh xuân mà tôi cảm nhận được rằng mình thật may mắn khi được sinh ra ở thế hệ sau, bởi với điều kiện làm việc khó khăn cách đây 50 năm mà các cô chú vẫn luôn mạnh mẽ, lăn xả, cống hiến để sản xuất ra những sản phẩm truyền hình tới khán giả.
Thế hệ trước chính là tiền đề để thế hệ sau phát triển những kĩ thuật công nghệ sau này, trân trọng và cảm ơn các cô chú vì những cống hiến rất nhiều!