Cảm xúc khi xem “Quán thanh xuân” giữa lòng châu Âu

GD&TĐ - Cuối tháng Tư, một cơn mưa Xuân đến từ đêm và tiếp tục rả rích phủ lớp mưa trắng mờ xuống khu rừng sồi thưa ở Rotselaar (vương quốc Bỉ). Tôi sống trong ngôi nhà của em gái ở giữa rừng, nghe mưa rơi, và dấy lên trong lòng nỗi nhớ những cơn mưa đầu mùa Hạ ở Hà Nội. 

Nhạc sĩ Thế Hiển hát bài Nhánh lan rừng trong chương trình Quán thanh xuân số 4
Nhạc sĩ Thế Hiển hát bài Nhánh lan rừng trong chương trình Quán thanh xuân số 4

Tôi vào mạng internet, dò tìm để xem lại chương trình yêu thích của mình “Quán thanh xuân”, bởi nếu muốn gợi lại quá khứ dường như bị lấp vùi, thì không gì hay hơn là xem chương trình này.

Chương trình “Quán thanh xuân” số 4, chủ đề “Ngày mai anh lên đường” quả nhiên đã làm sống lại một ký ức mơ màng mà tôi hoàn toàn quên lãng. Hóa ra, trong đời tôi đã từng có một người lính để nhớ, để thương, dù không phải là tình yêu, nhưng kỷ niệm về anh cũng đã thật đẹp. Tôi tự hỏi tại sao mình lại có thể quên lãng điều đẹp đẽ đó?

Đó là năm 1985, khi tôi còn học trường Trung học phổ thông, và nhà trường có phát động phong trào học sinh viết thư cho các chiến sỹ ở chiến trường để động viên các anh và kết nối tình cảm giữa nhà trường với quân đội. Tôi không quen anh lính nào để viết thư, cho đến khi mùa hè tới, tôi ra Hà Nội ở với bố để đi học thêm môn toán, thì tôi gặp một người lính, cũng được nghỉ phép, tới thăm anh trai của mình là đồng nghiệp với bố tôi tại trường Đại học Dược. Và thế là chúng tôi quen nhau tại ký túc xá trường đại học Dược.

Hình ảnh trong chương trình Quán thanh xuân 4
 Hình ảnh trong chương trình Quán thanh xuân 4

Người lính ấy tên Tùng, rất trẻ, vui tính và thích hát vẩn vơ. Anh chỉ ở lại trong khu ký túc xá trường Dược có 1 ngày đêm, nhưng tôi đã không bỏ qua cơ hội, tôi xin địa chỉ đơn vị của anh. Anh viết địa chỉ vào một tờ lịch xé đôi, đưa cho tôi, nửa kia tôi viết địa chỉ của tôi ở trường Phổ thông. Sau đó anh đi, tôi nhớ dáng anh thật đẹp, lưng đeo ba lô, bước đi nhanh nhẹn, tới cuối hành lang còn ngoái lại vẫy tôi và mỉm cười.

Tôi đã háo hức viết thư trước cho anh. Tôi không nhớ rõ mình đã viết những gì. Nhưng tôi vốn giỏi văn nên việc viết thư với tôi khá dễ dàng, tôi luôn có nhiều chuyện để kể trong thư với anh. Khi tôi nhận thư anh, mừng và tự hào, vì cuối cùng, tôi cũng đã có một người lính để thường xuyên viết thư, để mong ngóng hồi hộp sau mỗi lần gửi thư đi...

Hơn năm sau, khi tôi đã chuyển trường ra Hà Nội học lớp 12, đột ngột một hôm, anh đến tìm tôi ở khu ký túc xá trường Dược. Anh gõ cửa, tôi ra mở cửa và ngỡ ngàng nhìn anh. Trên tay anh là một nhánh lan rừng đang nở những nụ vàng rưng rưng. Anh nói anh đã mang nhánh lan này theo anh hơn năm nay, qua các lần di chuyển đơn vị, và nhân dịp được nghỉ phép, anh mang về Hà Nội cho tôi. Tôi xúc động không nói lên lời.

Cũng vì nhánh lan rừng ấy, mà bố tôi phát hiện ra chuyện thư từ giữa hai chúng tôi. Bố tôi nói, rằng tôi sắp thi đại học, phải tập trung vào việc học, không nên để chuyện tình cảm làm xao lãng. Tôi giải thích với bố, rằng giữa chúng tôi chỉ là tình cảm kết nối học trò với người lính, không có vấn đề yêu đương trai gái, nhưng có vẻ bố tôi không tin, và ông tiếp tục nhắc nhở tôi một cách nghiêm khắc. Không muốn bố tôi phải lo lắng quá mức, tôi đã ngừng việc viết thư cho người lính ấy. Và tôi cũng dần quên anh, nhánh lan rừng mà anh tặng tôi, tôi mang về vườn nhà ở quê, treo lên cây lớn để lan có được bóng mát chở che, nhưng qua nhiều năm, nhánh lan ấy nhất định không chịu cho hoa nữa.

Xem chương trình “Quán thanh xuân” số 4, giữa tiếng mưa Xuân rầm rì âm thầm tại một khu rừng giữa lòng châu Âu, nghe nhạc sĩ Thế Hiển hát bài “Nhánh lan rừng”, lòng tôi trào lên nỗi xúc động xâu xa. Tôi lại nhìn thấy người lính ấy, một bóng hình tôi đã quên lâu rồi, giờ đây trở lại với tôi, thành một kỷ niệm thiết tha. Tôi không tự trách mình đã quên anh, bởi tôi tin rằng những lá thư non nớt mà nồng nhiệt tôi viết cho anh hồi ấy, hẳn đã mang đến những nụ cười và tình cảm giá trị. Nếu không thì làm sao nhánh lan rừng ấy đã theo anh về Hà Nội, và ở lại trong vườn nhà tôi...

Tôi phải cảm ơn những người làm chương trình “Quán thanh xuân” để cho tôi được ngóng chờ từng tháng, xem từng số, và bình tĩnh truy tìm quá khứ đẹp đẽ của chính mình. Hóa ra chính tôi, cũng đã sống rất đẹp. Tôi đã sinh ra đúng thời của mình, để được tỏa sáng đúng nơi mình sinh ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.