Từ “Quán Thanh Xuân”, nhặt lại ký ức nhà chật

GD&TĐ - Có những ký ức cực kỳ quý giá, rõ ràng nằm sâu trong tâm trí ta, nhưng nó chẳng bao giờ mang lại giá trị gì, nếu như không được khơi gợi trúng, được kể lại và viết ra, được nằm lòng thành bài học hữu ích cho hiện tại và tương lai, thành một giá trị của lịch sử.

Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ ký ức nhà chật trong chương trình “Quán Thanh Xuân”.
Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ ký ức nhà chật trong chương trình “Quán Thanh Xuân”.

Một lần, tôi may mắn được mời tới trường quay Đài truyền hình Việt Nam, dự chương trình truyền hình trực tiếp mang tên “Quán Thanh Xuân” số 3, với chủ đề Nhà chật. Suốt buổi, lặng người lắng nghe những người thuộc thế hệ 5X, 6X kể về ký ức thanh xuân trong nhà chật ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tôi cũng bồi hồi lần giở lại một quãng thời gian sống trong nhà chật tại ký túc xá trường Đại học Dược Hà Nội với bố.

Tôi cứ nghĩ, nếu như không tham dự chương trình này, thì liệu đến bao giờ tôi mới đủ bình tĩnh để nhớ lại những ký ức giá trị đó, khi tôi còn là đứa trẻ lên mười, tận mắt chứng kiến bố tôi cùng đồng nghiệp của ông trong thế giới của nhà chật và những vấn đề của cuộc sống thời đó. Đúng như nhà thơ Hữu Việt, người tham gia với tư cách khách mời trong “Quán Thanh Xuân”, đã nói “Quá khứ, nếu không được viết ra, kể lại, chia sẻ một cách trung thực bởi những người đã đi qua, thì sẽ mất mát, sẽ bị nhìn sai lệch một cách thật đáng tiếc! Và các thế hệ tương lai, dù có muốn, cũng không thể làm ra được.”

Năm 1982, tôi lên 10 tuổi, được bố cho lên Hà Nội ở với bố vào mùa hè. Mẹ con tôi sống ở Hưng Yên, chỉ cuối tuần bố mới “cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ…” và đi chiếc xe máy ba-bét-ta về quê với ba mẹ con tôi.

Vì không sống cùng vợ con, nên bố tôi dù có vợ con hẳn hoi, vẫn bị xếp vào diện “hộ độc thân”, sống chung ở cùng với ba đồng nghiệp khác trong căn phòng chừng hai chục mét vuông trên tầng ba khu ký túc xá trường Đại học Dược Hà Nội. Căn phòng được chia làm bốn phần đều nhau chằn chặn, ngăn bằng vách liếp và những tấm bảng gỗ cũ, ván ép sơn xanh ghép lại với nhau. Lúc đó, bốn phần trở thành bốn “phòng” riêng, với cửa vào che tấm ri-đô vải hoa mỏng.

Khung cảnh trong trường quay chương trình “Quán Thanh Xuân”.
Khung cảnh trong trường quay chương trình “Quán Thanh Xuân”. 

Trong “phòng” rộng chừng 6 mét vuông của bố tôi có một chiếc giường đơn, một mặt bàn dán phóoc-mi-ca đặt lên trên cái hòm gỗ làm bàn ăn và bàn soạn bài, bàn viết, đọc của bố. Một cái tủ lạnh Liên Xô nhỏ đặt sát đầu kia của bàn, phía dưới là xô đựng nước sạch, một cái chậu đựng nước vo gạo, rửa rau. Kế bên là cái hòm gỗ khác, làm đế kê bếp điện lò – xo, đặt nồi xoong, bên trên có cái giá treo bằng gỗ thông tiết kiệm, dùng để bát đũa.

Cuối giường là một cái giá sách đóng bằng gỗ thông cao chạm lên tận trần nhà, lèn chặt sách khoa học, văn học cả tiếng Việt, Nga, Pháp, Anh. Khi tôi ra Hà Nội ở với bố, được bố nhường cho nằm chiếc giường đơn đó mà mỗi lần nhìn lên, tôi chỉ lo giá sách đổ ụp xuống người mình thì chỉ có nước chết lòi ruột! Còn bố tôi đi nằm nhờ chiếc giường của một đồng nghiệp phía góc ngoài cửa chính, do chú đồng nghiệp này mới lấy vợ, nên về ở với vợ trong dãy nhà cấp bốn phía sau.

Trên tường, gần lối vào cửa chính có một cái đài nhỏ, được gắn với hệ thống chung, cứ đến 5 giờ sáng là nó lẹt xẹt vài tiếng, rồi tiếp theo là một bản nhạc dạo đầu, và tới chương trình tập thể dục buổi sáng. Đài đánh thức cả bốn người nhưng tôi chỉ thấy tiếng cựa mình trên giường của bố, tiếng phàn nàn của một bác “phòng” bên chứ không thấy ai dậy tập thể dục theo đài. Tuy thế, cũng không ai dám ngắt dây đài để được yên tĩnh ngủ thêm vào buổi sáng sớm.

Ấn tượng nhất đối với tôi hồi đó, kỳ lạ thay lại là những chiếc áo may ô và quần đùi của bố tôi, cũng như đồng nghiệp của bố trong khu ký túc xá. Có thể do tôi chỉ đến ở với bố vào mùa hè, nên trời nóng và mọi người diện độc bộ quần đùi, may ô, thậm chí không có may ô để mặc. Tôi còn nhớ cô ruột tôi tên Giang, hồi đó đang là sinh viên trường ĐH Sư phạm 1, được bố tôi giới thiệu với chú N. – giảng viên trường Đại học Dược.

Cô tôi bảo, chú N. đáp ứng được tiêu chí chọn người yêu của hầu hết sinh viên thời bấy giờ, đó là “một yêu anh có may ô, hai yêu anh có lương khô ăn dần”, nhưng vài lần, cô đến thăm bố tôi, mục sở thị chú N. mặc may ô rách, nên cuối cùng cô không “duyệt”. Tôi cũng không hiểu tại sao, chiếc may ô đã rách toang, chỉ còn hai cái dây tròng trên vai và viền áo lủng lẳng bên hông, mà chú N. không vứt áo đi, vẫn cứ mặc. Hầu hết các chú, các bác, và bố tôi nữa, chỉ mặc quần đùi mà không mặc áo may ô.

Bố tôi thường mặc quần đùi màu xanh in hoa lấm tấm, bác Q. mặc quần đùi trắng đã ngả màu cháo lòng. Chú N. mặc quần đùi quân đội vì chú từng có thời gian phục vụ trong quân đội. Do ai nấy đều cởi trần, nên tôi được “ngắm” cả cái bụng của các chú, các bác. Tôi phát hiện, hầu như ai cũng có một đường sẹo chạy dọc bụng, người sẹo to, người sẹo nhỏ, riêng bố tôi không có cái sẹo ấy. Tôi hỏi, bố bảo rằng các chú, bác bị mổ dạ dày nên có sẹo.

Thời đói kém, đói tới nỗi má ai cũng hóp, mắt trũng, và ai cũng đau dạ dày, phải mổ, mổ cắt bớt dạ dày đi có khi lại hay, vì dạ dày nhỏ lại, đỡ trống, đỡ gào réo vì đói. Tôi thầm nghĩ, phải chăng bố tôi có thời gian 4 năm nghiên cứu sinh ở Nga, điều kiện sinh hoạt bên đó tốt hơn, bố lại tranh thủ buôn bán chút đỉnh, nên có cái ăn đầy đủ hơn, mà bố không bị đau dạ dày và không có cái sẹo chạy dọc bụng như đồng nghiệp?

Có con gái ra chơi, bố thỉnh thoảng mua thịt ba chỉ về bảo tôi rang, hoặc kho tàu. Mỗi lần tôi chế món thịt ba chỉ xong, bố tôi thường tự hào bê nồi thịt nhỏ sang các “phòng” bên cạnh khoe với đồng nghiệp về sự khéo léo của con gái mình, mỗi chú, mỗi bác nhón một miếng ăn thử, gật gù, bố tôi hài lòng lắm. Thịt ba chỉ rang, hay kho tàu, luộc… đã là món sang trọng hồi đó.

Nhớ lại, tôi chỉ thấy thương, những người đàn ông “độc thân” như bố tôi hồi đó trong khu ký túc xá, đều thuộc hàng trí thức bậc cao, các tiến sỹ, giáo sư vừa dạy đại học, vừa nghiên cứu khoa học, mà nghèo tới nỗi chiếc áo may ô cũng không có mà mặc, đói tới nỗi dạ dày phải cắt bớt đi… Họ cũng hay bàn chuyện thời sự, phê phán người này, lãnh đạo khác, chỉ trích chính sách này kia, nhưng không thấy một ai dám có hành động cụ thể nào để thay đổi hoàn cảnh sống của mình.

Tất cả đều cố gắng, và rồi thành thói quen, sống vừa vặn trong khuôn khổ tạo ra cho mình, cũng như xoay sở được trong cái nhà chật ngăn chia tạm bợ bằng vách liếp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...