Khoảng trống cung - cầu thị trường lao động

Khoảng trống cung - cầu thị trường lao động

(GD&TĐ) - Từ nhiều năm nay, đã có một khoảng cách khá lớn giữa cung và cầu trên thị trường lao động; khi mà nhu cầu thì có nhưng doanh nghiệp (DN) rất khó tuyển người, trong khi người lao động (NLĐ) thì khó tìm được việc làm phù hợp. Để đáp ứng nhu cầu công việc của NLĐ, các sàn giao dịch việc làm đã được tổ chức, nhưng hiệu quả mang lại vẫn còn hạn chế.

Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội
Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội

DN và NLĐ chưa gặp được nhau

Theo bà Nguyễn Thị HảiVân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB&XH), đây chính là nguyên căn dẫn đến khoảng trống cung - cầu trên thị trường lao động hiện nay. Quan trọng hơn, “khoảng trống” này xuất phát từ cả 2 phía: NLĐ và DN; trong khi “trung gian” là các sàn giao dịch việc làm thì không làm tốt được nhiệm vụ kết nối của mình.

Về phía NLĐ, bà Hải Vân cho rằng cái hạn chế phổ biến nhất vẫn là về chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng được yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng. Nhất là với các DN có vốn đầu tư nước ngoài hay những DN được cho là trả lương cao, thường có những đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, thì phần lớn lao động (dù đã được qua đào tạo cơ bản) cũng không đáp ứng được. Chưa nói đến do tác phong nông nghiệp nên khi đi vào làm việc trong các dây chuyền sản xuất, với 8 tiếng/ngày liên tục thì họ cảm thấy mệt mỏi. Đây cũng là hạn chế phổ biến của lao động trong nước hiện nay

Về phía DN, bà Vân cho biết thông báo đăng tuyển của DN mà Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB&XH) kiểm tra, so với nhu cầu tuyển dụng thì cao gấp 5-10 lần. “Họ đăng tuyển nhiều để lấp vào chỗ trống của lao động nhảy việc. Đôi khi, một số DN còn “trốn” bảo hiểm xã hội, nên họ tuyển lao động vào để thay thế cho những người sau khi học việc, ra khỏi DN…”,  bà Vân chỉ rõ. Bên cạnh đó cũng còn phải kể đến những nhu cầu thiết yếu của NLĐ như nhà ở, lương, thưởng… thì nhiều DN chưa có khả năng đáp ứng. Đó cũng là một lý do quan trọng khiến NLĐ chưa mặn mà lắm với DN.

Không thể quy lỗi cho các sàn giao dịch

Ở góc nhìn của một kênh “trung gian”, ông Vũ Quang Thành (Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, thuộc Sở LĐ, TB&XH Hà Nội) cho rằng thực chất về vấn đề cung cầu chưa gặp nhau, theo phản ánh của rất nhiều DN, chủ yếu do nguồn cung đến phiên giao dịch việc làm phần lớn là lao động trẻ; thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm, đào tạo chưa gắn liền trực tiếp với công việc tại DN, vì vậy, việc tuyển dụng lao động trực tiếp qua sàn có hạn chế. Ngay đối với Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, tỷ lệ kết nối cung cầu lao động chỉ đạt 20 - 25%, thời điểm cao là 30%. Điểm quan trọng nữa là NLĐ cũng có nhiều sự đòi hỏi nhất định; đôi khi nhiều lao động có ảo tưởng về nghề nghiệp, việc làm hiện có, đòi hỏi mức lương, đãi ngộ tương đối cao. Giải pháp đặt ra, theo ông Thành, DN chỉ có thể tuyển lựa để đào tạo lại lao động mà thôi.

Nói là như vậy, nhưng thực tế chỉ tính riêng trên thị trường Hà Nội, tình trạng lao động phổ thông khan hiếm rất rõ ràng; các ứng viên lao động chủ yếu là SV tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. Đó cũng là “rào cản” cho DN nếu muốn tuyển lao động phổ thông để đào tạo lại. Theo quan điểm ông Thành: “Nhìn tổng thể các sàn giao dịch, tôi thấy mặt được nhiều hơn hạn chế”; nhưng có lẽ đấy là nói về những sàn giao dịch đã có thương hiệu như Trung tâm giới thiệu việc làm của các tỉnh, thành phố; chứ không phải tính cả các trung tâm giới thiệu việc làm tư nhân vốn chiếm số lượng khá đông đảo.

Chưa kể ngay cả đối với các sàn giao dịch việc làm lớn, số lượng được trang bị CSVC hiện đại, đáp ứng yêu cầu hoạt động chưa nhiều; đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn cũng phần lớn chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản. Ông Thành cũng thừa nhận thực tế hiện Việt Nam vẫn theo xu hướng tư vấn 1 lần là xong; nhưng ở các nước, tối thiểu là 2 lần, mỗi lần tư vấn tối thiểu 1 tiếng; bởi lẽ một công đoạn tư vấn phải tìm hiểu người lao động muốn gì, trình độ ra sao sau đó mới có thể đi tìm việc phù hợp để kết nối với họ.

Cũng bởi các hạn chế về CSVC, cán bộ tư vấn, mà hướng đi của rất nhiều sàn giao dịch việc làm hiện nay là phát triển giao dịch điện tử thay vì chú trọng mặt bằng. Lại thêm một trở ngại nữa cho NLĐ, khi mà phần lớn không biết nhiều về công nghệ, ít có điều kiện hay thói quen tra cứu thông tin mạng để tìm việc.

Đứng về phía người trung gian kết nối giữa NLĐ và DN, theo bà Hải Vân, còn nhiều hạn chế. Sàn giao dịch việc làm, thường chỉ có lao động phổ thông đến. Còn lao động có trình độ cao, thường có quan điểm có thể tìm việc ở website, trực tiếp đến gặp chủ lao động… chứ không hoặc ít đến sàn giao dịch. Bản thân sàn giao dịch cũng chỉ mời được DN quy mô nhỏ, chỉ có nhu cầu tuyển lao động phổ thông, nên lao động trình độ cao có đến cũng khó không tìm được việc đúng mong muốn.

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ