Khóa huấn luyện đặc biệt cho phóng viên vùng chiến sự

Trong bối cảnh nước Mỹ đang trải qua những tuần đầy bạo lực, càng nhiều phóng viên nước này tìm tới khóa huấn luyện tác nghiệp của Trung tâm An ninh nhà báo toàn cầu, để học cách làm thế nào được an toàn trong vùng chiến sự. Khóa học đặc biệt kéo dài 5 ngày này mục đích giảm thiểu rủi ro trong các môi trường khủng bố, cơ hội sống sót trong những tình huống đe dọa đến tính mạng...

Bài học Phóng viên tác nghiệp trong một cuộc biểu tình bạo lực
Bài học Phóng viên tác nghiệp trong một cuộc biểu tình bạo lực

Bài học “không tử vì nghề”

7h30 sáng, các phóng viên tụ tập quanh một chiếc xe tải màu tối đỗ ở Dupont Circle. Shane Bell - một cựu lính biệt kích tinh nhuệ của Lực lượng vũ trang Australia, lái xe đưa một nhóm 10 người từ Washington, DC đến một nhà kho ở Maryland. Ở đó, Bell sẽ chỉ cho các học viên làm thế nào để băng bó vết thương do bị súng bắn bằng những mảnh xé từ chiếc áo thun.

Đồng nghiệp của Bell là Paul Burton - một cựu trung sĩ trong quân đội Anh, sẽ hướng dẫn các học viên cách tránh hít phải hơi cay, da dính phải các loại hóa chất, và khẩn trương xả sạch toàn thân dưới vòi tắm khi bị tấn công bằng hơi cay...

Trong khi đó, Frank Smyth - một nhà báo chiến trường lâu năm và là người sáng lập ra chương trình huấn luyện này sẽ giải thích các quyền của một phóng viên nếu bị cảnh sát bắt trong các cuộc biểu tình bạo lực...

Xu hướng gần đây của các nhà báo là tìm khóa huấn luyện tác nghiệp trong môi trường “khắc nghiệt, nhạy cảm” để đưa tin về các hoạt động chính trị ở Mỹ.

Theo nhà báo Frank Smyth, ngay từ đầu năm nay, ông đã nhận được nhiều yêu cầu “đào tạo phóng viên” của một số hãng truyền thông. Kể từ tháng 4, những nhu cầu kiểu này tăng chóng mặt, ngay cả nhu cầu được huấn luyện dân sự trong môi trường thù địch chỉ vỏn vẹn trong 2 ngày hay thậm chí cả những hội thảo trong 4 giờ trực tuyến.

Với khóa học 2 ngày hồi đầu tháng 7, các bài học bao gồm: tìm động mạch máu, cách cầm máu (với loại vải bạn đang có trong tay), phát hiện nơi tiếng súng phát ra; làm thế nào để tránh bị bắn (giữ im lặng, thoát ra khỏi tầm ngắm, nằm xuống sàn và bò đi) và thời điểm cần thiết để giới thiệu mình là nhà báo trong các cuộc biểu tình có khả năng biến thành bạo động hoặc có thể dẫn đến các hoạt động bắt giữ hàng loạt.

Lên kế hoạch cho các kịch bản xấu nhất

Theo Frank Smyth, GJS đã huấn luyện hàng trăm nhà báo, biên tập viên... chuẩn bị cho các sự kiện chính trị Mỹ theo cách này. Nhiều người cũng được trang bị sử dụng các thiết bị bảo vệ như: áo khoác chống đạn dành cho quân đội, mặt nạ, mũ bảo hiểm...

Đối với một số hãng tin, điều này là bình thường. Các hãng tin lớn như: AP, BBC đã có các thông tín viên ra vào các vùng chiến sự và được trang bị để đối phó với các tình huống bất ổn dân sự.

Nhưng nhóm này chủ yếu là phóng viên chính trị, dành nhiều thời gian tác nghiệp xung quanh tòa nhà Quốc hội Capitol Hill hay nơi họp nghị viện của bang.

Sau bài học đầu tiên về cách sơ cứu và đối đầu với các mối đe dọa, các học viên được thực tập trong một tình huống giả định là một cuộc biểu tình nguy hiểm. Họ bị dồn vào tường, bị còng tay, bị cảnh sát chống bạo động hành hung...

Tuy công việc của GJS là lên kế hoạch cho các kịch bản xấu nhất, nhưng với các loại vũ khí được phổ biến trên đường phố Mỹ hiện nay, ông Smyth khuyến cáo các nhà báo có mặt ở Mỹ tại các sự kiện đông người nên xem xét việc mặc áo giáp quân sự khi tác nghiệp.

"Thực tế khi chúng ta đề cập đến chuyện này có không ít ý kiến cho rằng đây là một ý tưởng vô cùng kỳ dị, mỉa mai, nhưng sự thực đang rất đáng lo ngại” - Ông Smyth nói.

Trong 2 thập kỷ qua, nhận thức về bảo đảm an toàn cho phóng viên của các hãng tin đã cải thiện đáng kể, nhưng thách thức thì lại ngày một nhiều lên.

"Bạn không còn có thể dựa vào mác phóng viên để được an toàn nữa. Rất nhiều người trở thành mục tiêu tấn công chỉ đơn giản vì họ là nhà báo” - Reuters dẫn lời ông Robert Mahoney - Phó Giám đốc Ủy ban Bảo vệ phóng viên (CPJ).

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ