Nigeria: Sinh viên thiết kế máy thở cứu bệnh nhân Covid-19

Nigeria: Sinh viên thiết kế máy thở cứu bệnh nhân Covid-19

Một trong những thứ cần thiết là máy thở - thiết bị được xem là mang tính sống còn với bệnh nhân nặng.

Máy thở Respire-19

Khi số ca mắc Covid-19 tăng lên hàng ngày, Nigeria chỉ có khoảng 500 máy thở trên khắp 35 bang và vùng thủ đô của liên bang. Điều này gây ra sự lo ngại sâu sắc về việc cứu sống bệnh nhân tại quốc gia đông đúc nhất châu Phi này.

Trong bối cảnh thiếu thốn trên, một SV của ĐH Ahmadu Bello ở phía Bắc Nigeria đã có một phát minh tuyệt vời. Hợp tác với các nhà cải tiến khác ở Nigeria, cậu SV 20 tuổi Dalhatu Usman đã tạo ra một máy thở ngay ở địa phương mình và giờ đây biến nó thành một máy thở tự động cực kỳ hiện đại. Cậu đặt tên cho thiết bị này là Respire-19.

Máy thở là một thiết bị y tế hỗ trợ hô hấp nhân tạo khi phổi của bệnh nhân không thể làm việc này một cách tự nhiên trong trường hợp bị mắc Covid-19.

Nhà phát minh trẻ tiết lộ chỉ mất 2 ngày để sản xuất máy thở. Cậu cho biết, với sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ từ các chuyên gia, cậu có thể sản xuất hàng loạt máy thở trong một thời gian ngắn.

Máy thở mà Dalhatu chế tạo bao gồm một động cơ, một chiếc đĩa chuyển đổi chuyển động tròn thành chuyển động tuyến tính, trục, đầu vào và đầu ra carbon dioxide, đầu ra oxy và vôn kế. Ngoài ra, có các thành phần khác của máy thở bao gồm nút điều khiển, điểm tăng tốc, pin, điểm sạc và mặt nạ oxy.

Tiến sĩ Kaisan Muhammad Usman, giảng viên tại ABU Zaria và là trưởng nhóm nghiên cứu phát thải và động cơ nhiên liệu sinh học, cũng là cố vấn cho Dalhatu đã mô tả cậu SV này là một tài năng về công nghệ.

Nigeria: Sinh viên thiết kế máy thở cứu bệnh nhân Covid-19 ảnh 1

Máy thở được làm từ những nguyên vật liệu có tại địa phương.

Tiến sĩ Usman cho biết, Dalhatu đã làm được một việc tuyệt vời bằng cách tạo ra máy thở này. Theo ông, việc này sẽ thúc đẩy các phát kiến công nghệ kỹ thuật từ những khối óc sáng tạo.

Trưởng nhóm nghiên cứu khí thải và động cơ nhiên liệu sinh học, Tiến sĩ Kaisan Muhammad Usman cho biết các vật liệu được sử dụng để chế tạo máy thở trên đều lấy từ địa phương.

“Đây là một phát minh sẽ giúp ích rất nhiều cho chính phủ liên bang trong việc đối phó lại Covid-19” – ông cho biết.

Dalhatu đã tham gia cùng những kỹ sư khác như Williams Gyang và Nura Jibril - những người đã sửa miễn phí các máy thở bị lỗi trên khắp cả nước để bảo đảm thiết bị có thể được sử dụng dễ dàng trong mùa dịch. Theo ước tính, khoảng 6% số người mắc Covid-19 sẽ cần chăm sóc đặc biệt và cứ 4 người thì 1 người cần máy thở để hỗ trợ hô hấp.

Mở ra hy vọng về những sáng chế mới

Nigeria: Sinh viên thiết kế máy thở cứu bệnh nhân Covid-19 ảnh 2

Máy thở do Dalhatu Usman thiết kế khá nhỏ gọn.

Truyền thông địa phương cho biết, cậu SV trẻ và những đối tác của mình là Tiến sĩ Yunusa Muhammad Garba của Khoa Giải phẫu người, ĐH bang Gombe đã giới thiệu Respire-19 cho Thống đốc Inuwa Yahaya của bang Gombe, Nigeria.

Ông Yahaya nói với những nhà sáng chế: “Chúng tôi rất tự hào về các bạn. Nếu chúng ta có thể tìm về những gì thô sơ, theo đuổi và cải thiện những gì mình có, chúng ta sẽ giống như các nước khác có thể dùng nhân tài địa phương để đạt được những điều lớn lao. Chúng ta có khối óc và các nguồn lực về trí tuệ có thể trở thành một điểm tham chiếu như những quốc gia phát triển khác”.

Nói với cổng thông tin của ĐH Ahmad Bello, Dalhatu thể hiện mong muốn trở thành một kỹ sư cơ khí nổi tiếng sau khi hoàn thành việc học tập, tạo ra những phát minh giúp cuộc sống của mọi người trở nên dễ dàng hơn.

“Tôi đã sản xuất một bếp điện. Tôi có một số dự án hiện đang được thực hiện. Tuy nhiên, tôi kêu gọi chính phủ bảo trợ các sản phẩm của mình và hỗ trợ tôi theo những cách khác nữa” – Dalhatu nói.

Cậu cũng tiết lộ “máy làm sạch Extra” mà cậu thiết kế và sản xuất đã nhận được bằng sáng chế và nhãn hiệu, hiện đang có mặt trên thị trường.

Trung tâm CNTT Kaduna của nhà nước đã cấp nguồn tài chính để sản xuất máy thở do Dalhatu sáng chế. Giám đốc điều hành Engr. Yusuf Bashir cho biết, công ty đã cung cấp quỹ và các nguồn lực để khuyến khích nhà phát minh trẻ tuổi và giải quyết mối đe dọa của đại dịch Covid-19 tại Nigeria.

Theo ông, “phát minh này báo hiệu điều tốt đẹp cho sự phát triển công nghệ của nước nhà. Trước đó, chúng tôi đã phát hiện Dalhatu Usman là một SV có đầu óc trưởng thành, sáng tạo và đổi mới cần được hỗ trợ. Do đó, chúng tôi đã tạo một môi trường với sự khuyến khích đầy đủ cho em. Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho nhà phát minh trẻ này tập trung vào việc thiết kế máy thở vì đất nước hiện đang có nhu cầu rất cao”.

“Công ty đã cung cấp cho Dalhatu tài chính và những nguồn lực cần thiết khác bao gồm cung cấp một nhà thiết kế chuyên nghiệp và thông tin nghiên cứu có chất lượng để hướng dẫn thiết kế dự án. Trên thử nghiệm lâm sàng đối với máy thở trên, chúng tôi đã làm việc với bệnh viện của ĐH liên bang ở Gombe và cải tiến thiết bị dựa trên những đề nghị của họ. Đến nay, chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực trong quá trình bệnh viện thử nghiệm máy thở này” – ông Yusuf Bashir cho biết.

Theo Face2faceAfrica, Prnigeria

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.