Những sự thật thú vị ít ai biết về Dải Ngân hà

Dù biết tất cả những nhà hàng yêu thích và cách tránh kẹt xe trong giờ cao điểm, nhưng không chắc bạn biết hết mọi ngóc ngách trong thành phố. Điều tương tự cũng đúng với thiên hà bạn đang sống – Dải Ngân hà.

Có lẽ Dải Ngân hà chứa khoảng 100 tỷ ngôi sao. (Ảnh: Two Micron All-Sky Survey).
Có lẽ Dải Ngân hà chứa khoảng 100 tỷ ngôi sao. (Ảnh: Two Micron All-Sky Survey).

Ngân hà của chúng ta vô cùng kì diệu với đầy ắp sao, siêu tân tinh, tinh vân, năng lượng và vật chất tối, nhưng có nhiều khía cạnh của nó vẫn là bí ẩn - ngay cả với các nhà khoa học. Với những người muốn tìm hiểu kĩ hơn về vũ trụ mình đang sinh sống, thì dưới đây là những sự thật thú vị ít ai biết về Dải Ngân hà.

1. Tên của Dải Ngân hà có nguồn gốc rất cổ xưa

Trước khi đèn điện xuất hiện, con người có thể nhìn bầu trời rất rõ vào ban đêm, và dải sao khổng lồ chi chít những ngôi sao có thể đập vào mắt chúng ta rất dễ dàng. Các dân tộc cổ đại đã đặt nhiều tên khác nhau cho Dải ngân hà nhưng cái tên được sử dụng bây giờ bắt nguồn từ Hy Lạp.

Truyền thuyết của người Hy Lạp kể về một đứa trẻ sơ sinh tên là Hercules được đưa đến cho nữ thần Hera chăm sóc. Trong một lần đang cho Hercules bú, bà ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh giấc, bà ngồi dậy và sữa từ ngực bà tràn ra khắp các tầng trời.

Nguồn gốc của cái tên này đã bị quên lãng từ lâu, giống như Matthew Stanley - giáo sư lịch sử khoa học tại Đại học New York, đã nói: "Đây là một trong những thuật ngữ quá cũ đến nỗi nguồn gốc của nó thường bị lãng quên".

2. Không thể biết chính xác có có bao nhiêu ngôi sao trong Dải Ngân hà

Đếm sao là một công việc tẻ nhạt. Ngay cả các nhà thiên văn học cũng tranh luận hòng tìm ra cách tốt nhất để làm điều đó. Kính viễn vọng hiện tại chỉ có thể nhìn thấy những ngôi sao sáng nhất trong thiên hà, còn số còn lại bị che khuất bởi khí và bụi.

Một kỹ thuật để ước tính “dân số” sao của Dải Ngân hà là xem các ngôi sao quay quanh quỹ đạo nhanh như thế nào, từ đây chúng ta sẽ biết được khối lượng của thiên hà. Chia khối lượng thiên hà cho kích thước trung bình của một ngôi sao và bạn sẽ có câu trả lời.

Nhưng như David Kornreich, một nhà thiên văn học tại Đại học Ithaca ở New York, đã từng nói: những con số này đều là xấp xỉ vì các ngôi sao có kích thước rất khác nhau.

Nhiều giả định đã được đưa ra để ước tính số lượng ngôi sao đang cư ngụ trong Dải Ngân hà. Vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã lập bản đồ vị trí của 1 tỷ ngôi sao trong thiên hà của chúng ta và các nhà khoa học tin rằng nó chỉ chiếm 1% trong tổng số, vì vậy có lẽ Dải Ngân hà chứa khoảng 100 tỷ ngôi sao.

3. Không ai biết Dải Ngân hà nặng bao nhiêu

Hiện tại, các nhà thiên văn học vẫn không chắc chắn về việc thiên hà của chúng ta nặng bao nhiêu, họ chỉ ước tính nó nặng hơn mặt trời từ 700 tỷ đến 2 nghìn tỷ lần. Để có một con số chính xác hơn không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Hầu hết khối lượng của Dải Ngân hà - có lẽ là 85% - ở dạng vật chất tối, không phát ra ánh sáng và do đó không thể quan sát trực tiếp, nhà thiên văn học Ekta Patel thuộc Đại học Arizona ở Tucson cho biết. Nghiên cứu gần đây của bà ước tính khối lượng của Dải Ngân hà nặng hơn mặt trời lên tới 960 tỷ lần.

4. Dải Ngân hà đầy dầu mỡ độc hại

Chất giống dầu mỡ có thể chiếm từ một phần tư đến một nửa lượng carbon liên sao của Dải Ngân hà.

Chất giống dầu mỡ có thể chiếm từ một phần tư đến một nửa lượng carbon liên sao của Dải Ngân hà. (Ảnh: NASA / JPL-Caltech).

Xoay tròn trong không gian trống rỗng giữa các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta là một đống dầu mỡ nhớp nháp. Các phân tử hữu cơ nhờn được gọi là các hợp chất carbon aliphatic được tạo ra trong một số loại sao và sau đó bị rò rỉ ra ngoài không gian giữa các vì sao.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy những chất giống như dầu mỡ này có thể chiếm từ một phần tư đến một nửa lượng carbon liên sao của Dải Ngân hà - gấp năm lần so với những nghiên cứu trước đây cho thấy. Mặc dù điều này nghe có vẻ kì lạ, nhưng lại là một tin đáng để lạc quan, bởi vì carbon là chất thiết yếu của các sinh vật sống. Việc tìm thấy nó xuất hiện dồi dào trên khắp thiên hà có thể gợi ý rằng các hệ thống sao khác chứa đựng sự sống.

5. Dải Ngân hà sẽ sụp đổ sau 4 tỷ năm nữa

Thật buồn khi biết rằng, thiên hà của chúng ta sẽ không tồn tại mãi mãi. Các nhà thiên văn học cho biết rằng “ngôi nhà” của chúng ta hiện đang dịch chuyển về phía “người hàng xóm” - thiên hà Andromeda, với tốc độ khoảng 250.000 dặm/giờ (400.000km/giờ).

Hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi vụ tai nạn xảy ra, trong khoảng 4 tỷ năm nữa, thiên hà Andromeda đồ sộ hơn sẽ nuốt chửng Dải Ngân hà của chúng ta và sống sót.

Nhưng trong một nghiên cứu gần đây, các nhà thiên văn học đã cân nhắc lại khối lượng của Andromeda và thấy rằng nó nặng tương đương với 800 tỷ mặt trời cộng lại, hay ngang bằng với khối lượng của Dải Ngân hà. Điều đó có nghĩa là chính xác thiên hà nào sẽ sống sót trong vụ đụng độ tương lai này vẫn là một câu hỏi mở.

Theo Khám phá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ