Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Y khoa Quốc phòng Nhật Bản đã tạo ra máu nhân tạo đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về dự trữ máu tại các bệnh viện.
![]() |
Loại máu nhân tạo thúc đẩy quá trình đông máu khi có vết thương hở trên da và lại không bị đông trong quá trình lưu trữ như máu thật. Ảnh: Daily Mail. |
Máu nhân tạo là một loại dung dịch có các tế bào hồng cầu (mang oxy) và tiểu cầu (chịu trách nhiệm cho quá trình đông máu). Tiểu cầu và tế bào hồng cầu được trữ trong các túi siêu nhỏ gọi là liposome (những hạt lipid có cấu trúc vi thể, nhỏ hơn các tế bào máu hàng nghìn lần).
Loại máu được ví như vạn năng này có cấu trúc hoàn chỉnh y như máu thật với khả năng vận chuyển oxy và tiểu cầu, đồng thời thúc đẩy quá trình đông máu khi có vết thương hở trên da.
Đặc biệt, máu nhân tạo có khả năng lưu trữ đông hơn máu thật.
Tiểu cầu trong máu của người hiến máu chỉ giữ được tối đa trong bốn ngày nếu nó được lắc đi lắc lại nhiều lần nhằm ngăn chặn máu bị đông. Các tế bào hồng cầu cũng sẽ bắt đầu đông sau 20 ngày ngay cả khi được bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Nhưng nhóm nghiên cứu cho biết, máu nhân tạo có thể được bảo quản ở nhiệt độ bình thường trong hơn một năm.
Máu nhân tạo cũng được tạo ra nhằm thay thế cho mọi nhóm máu, thỏa mãn các trường hợp cấp cứu nhưng lại thiếu máu dự trữ.
Trong y khoa, nhóm máu được xác định dựa trên các protein gọi là kháng thể và kháng nguyên. Kháng thể có trong huyết tương lỏng và tạo thành một phần của hệ thống miễn dịch. Kháng nguyên được tìm thấy trên bề mặt hồng cầu.
Thông thường, bệnh nhân thường phải đến bệnh viện, thực hiện thủ tục xét nghiệm máu để xác định nhóm máu trước khi tiến hành truyền máu. Quá trình này sẽ mất thời gian và đôi lúc bệnh viện còn không đủ nguồn máu dự trữ để cung cấp cho bệnh nhân.
Do vậy, nhóm đã tạo ra máu nhân tạo mà không chứa kháng thể và kháng nguyên để biến nó trở thành một loại máu duy nhất sử dụng được và tương thích cho tất cả các nhóm máu khác.
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã thử nghiệm loại máu nhân tạo này trên 10 con thỏ trong tình trạng bị mất máu nghiêm trọng. Kết quả cho thấy, máu nhân tạo đã cứu sống 6 con trong số chúng. Khi thử nghiệm trên thỏ, máu nhân tạo vẫn ở trạng thái lỏng ban đầu và không hề bị đông cứng.
Daily Mail dẫn lời Tiến sĩ Manabu Kinoshita, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Thật khó để dự trữ đủ một lượng máu cần thiết, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Vậy nên, trong tương lai, máu nhân tạo có thể sẽ giúp cứu sống những người bệnh trong tình trạng nguy kịch, rất cần được truyền máu, cũng như đáp ứng được nhu cầu máu chữa trị tại các bệnh viện hiện nay".
Nghiên cứu về máu nhân tạo đã được công bố trên Tạp chí Transfusion của Hiệp hội Ngân hàng Máu nước Mỹ.
Hồi năm 2018, một công ty của Anh có tên SpheriTech tuyên bố đang phát triển một loại chất lỏng mang tính đột phá được gọi là SpheriSome Hb có thể coi là máu nhân tạo.
Không giống máu người hiến tặng, loại máu nhân tạo này sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài các đặc tính độc đáo, hợp chất SpheriSome Hb cũng có khả năng được bài tiết từ cơ thể. Ngoài ra nó sẽ không tích tụ trong các mô khác, không độc, không gây miễn dịch, không kháng nguyên và không gây ung thư.
Tiến sĩ Don Wellings, người sáng lập SpheriTech, trụ sở tại Runcorn, Cheshire, cho biết: "Việc sử dụng máu hiến tặng trong điều trị truyền máu, có hiệu quả trong việc phục hồi oxy trong cơ thể người nhận nhưng cũng đem đến nhiều hạn chế.
Mặc dù có nhiều xét nghiệm giúp phát hiện mầm bệnh trong máu, nhưng quy trình này không thể hoàn toàn loại bỏ nguy cơ. Bên cạnh đó, máu của người nhận và người hiến phải tương thích nhau mới có thể dùng để truyền".
Trước đó, nhóm nghiên cứu ở Đại học Washington tại St Louis, Missouri, Mỹ cũng đã thử nghiệm thành công trên động vật các tế bào nhân tạo mang oxy tới mô.
Những tế bào tổng hợp siêu nhỏ mô phỏng hồng cầu, lưu giữ và giải phóng dần oxy khi tuần hoàn quanh cơ thể. Các nhà nghiên cứu cho biết máu nhân tạo mang tên ErythroMer có thể sấy khô, đông lạnh và lưu trữ dưới dạng bột để sẵn sàng sử dụng khi cần.
Với kích thước bằng 2% tế bào hồng cầu ở người, tế bào máu nhân tạo có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng và trộn với nước trước khi sử dụng.
Trong các thí nghiệm ở chuột, nhóm nghiên cứu thay thế một lượng lớn máu thật bằng máu nhân tạo. Họ nhận thấy tế bào máu nhân tạo có thể giữ oxy và giải phóng vào các mô quanh cơ thể cũng như tế bào khác. Thử nghiệm khác chỉ ra máu nhân tạo có thể sử dụng để hồi tỉnh con vật bị sốc do mất 40% lượng máu trong cơ thể.