Mô hình xử lý chất thải sản xuất nông nghiệp: Trăn trở của nhóm sinh viên năm nhất

GD&TĐ - Nhóm sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Quản lý môi trường của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đã chung tay nghiên cứu thực hiện dự án khởi ngiệp về môi trường. 

Nhóm nghiên cứu nhận bằng khen trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.	Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhóm nghiên cứu nhận bằng khen trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dự án “Mô hình xử lý chất thải sản xuất nông nghiệp và cung cấp thực phẩm sạch” không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn mà còn nhân rộng thành mô hình chăn nuôi, chuyên sản suất cung cấp các loại rau sạch, gà đảm bảo chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Quy trình khép kín xử lý chất thải và cung cấp thực phẩm sạch

Không nằm ngoài thực trạng chung toàn quốc, tỉnh Lào Cai rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chăn nuôi của người dân đang diễn ra không có sự kiểm soát. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Nhóm sinh viên năm thứ nhất của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai là Trịnh Duy Quang, Bàn Thị Dần, Lù Đức Hiển đã cùng nhau nghiên cứu dự án khởi nghiệp về xử lý chất thải sản xuất nông nghiệp và cung cấp thực phẩm sạch cho nhân dân và khách du lịch đến địa phương.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, hiện nay, vấn đề ô nhiễm ở môi trường nông thôn do chất thải trâu bò lợn gà... đa số là thải trực tiếp ra vườn gây ô nhiễm và bỏ phí hầu như không sử dụng. Các loại rác thải hữu cơ, phế phẩm như rơm, rạ, lá cây... hầu hết đều dùng để đốt gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Để giải quyết vấn đề này, đồng thời tận dụng chất thải, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, nhóm sinh viên đã trăn trở và đưa ra ý tưởng khởi nghiệp mang tính thực tiễn cao.

Với sản phẩm là thu thập chất thải chăn nuôi, phế phẩm nông nghiệp giúp cải thiện môi trường nông thôn; Ủ chất thải thu thập được làm thức ăn nuôi giun quế, giun quế tạo ra phân và giun thương phẩm;

Phân giun dùng làm phân bón cho trồng trọt; Giun quế dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ý tưởng này của nhóm đã thu hút sự quan tâm của hội đồng chuyên môn trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp “Startup Ideas” tỉnh Lào Cai lần thứ I.

Theo đó, rác thải hữu cơ, phân gia súc, gia cầm, rơm rạ... sẽ được ủ để làm thức ăn nuôi giun quế. Sau đó, phân của giun quế sẽ được sản xuất thành phân vi sinh trồng rau sạch, con giun quế sẽ sản xuất thức ăn chăn nuôi để nuôi gà sạch cung cấp ra thị trường.

Với mô hình khép kín này, không những đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được nguồn chất thải hàng năm mà còn dùng trong chăn nuôi sạch cho người dân địa phương và khách du lịch đến Lào Cai.

Trịnh Duy Quang – Trưởng nhóm nghiên cứu dự án cho biết: “Trong những năm gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm diễn biến ngày càng phức tạp, các vụ ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của nhân dân thậm chí dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người sản xuất, vì lợi ích trước mắt mà đã sử dụng những chất cấm, những chất kích thích tăng trưởng không được phép hoặc được phép nhưng không tuân thủ hướng dẫn sử dụng.

Vì vậy, nguồn thực phẩm sạch và môi trường sạch được ưu tiên hàng đầu trong khu vực thành phố Lào Cai”.

Mong muốn dự án không nằm trên giấy

Khi tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, nhóm cũng đã phân tích được tình hình thực tiễn của địa phương để thấy rõ tính thực tế khi nghiên cứu dự án: “Lào Cai đang trên đà đổi mới phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định mức sống người dân không ngừng nâng cao.

Hiện nay, nhu cầu thực phẩm sạch đang rất lớn rau sạch, gà không tăng trọng phần lớn các hộ gia đình chi tiêu cho thực phẩm sạch chiếm tỉ lệ nhỏ trong thu nhập.

Đồng thời, Lào Cai còn là mảnh đất có nhiều lợi thế về du lịch, du khách đến với Lào Cai cũng quan tâm nhiều tới các đặc sản, do vậy sản xuất các sản phẩm sạch sẽ góp phần thúc đẩy tạo thương hiệu, hình ảnh du lịch của Lào Cai. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, thuận lợi trong việc tiêu thụ thực phẩm sạch cũng như đem lại cơ hội thành công rất lớn cho mô hình”.

Dự án này không chỉ xử lý được một phần vấn đề môi trường trong sản xuất nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi; Cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân; Tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường sống cho người dân; làm giàu cho quê hương khi tăng lượng khách du lịch đến với Lào Cai bởi sự yên tâm về các món ăn sạch, đặc sản sạch cũng như bầu không khí trong lành.

Nói là vậy nhưng từ khi ấp ủ ý tưởng đến khi bắt tay vào thực tiễn, nhóm gặp không ít khó khăn bởi đều là sinh viên năm đầu. Hơn nữa, khi nghiên cứu về môi trường gặp những vấn đề lớn về các khái niệm trừu tượng, xử lý các chất thải trong nông nghiệp cần quy trình khép kín, mô hình công nghệ để thực hiện sản xuất xoay vòng trong chăn nuôi…

Vật lộn với những khúc mắc nhưng nhờ sự quyết tâm của nhóm, sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô hướng dẫn, nhóm đã hoàn thiện dự án này và được đánh giá cao tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Tỉnh Đoàn Lào Cai tổ chức.

Lần đầu tiên nghiên cứu khoa học, Trưởng nhóm Trịnh Duy Quang chia sẻ: “Dù gặp nhiều thách thức nhưng chúng em đã có nhiều kỉ niệm trong quá trình cộng tác cùng nhau.

Mỗi lần nghĩ đến việc địa phương mình sẽ sạch hơn, trong lành hơn, nguồn thực phẩm cung cấp an toàn hơn, khiến chúng em rất vui. Tuy nhiên, để dự án này không nằm trên giấy, chúng em rất mong nhận được sự đồng hành của các đơn vị xã hội để đưa ý tưởng đến gần với thực tiễn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.