Lan hài: “Kho báu” của Việt Nam

GD&TĐ - Phong lan, tự xa xưa, được nhân loại tôn vinh “vương giả hoa”.  Đối với giới sưu tầm, nghiên cứu và kinh doanh phong lan khắp thế giới thì “đệ nhất vương giả” đích thị lan hài.

Lan hài lục Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Lan hài lục Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Giá cả lan hài trên thị trường lắm phen khiến thiên hạ… chóng mặt. 

“Chiếc nôi” của lan hài là Việt Nam

Phong lan, gọn hóa thành lan,chữ Hán phồn thể ghi 風蘭 và giản thể thể ghi 风兰. Đó là họ thực vật được định danh khoa học bằng tiếng Latinh là Orchidaceae, có đến 800 chi với 35.000 loài, phân bố khắp quả đất. Riêng ở Việt Nam, thống kê sơ bộ khoảng 140 chi với hơn 800 loài lan nội địa.

Trong số ấy, chi lan hài được xem là “kho báu” của đất nước ta, gồm nhiều loài đặc hữu hẹp và rất hẹp. 

Lan hài Vệ nữ

Gọi đầy đủ phải lan hài Vệ nữ, danh pháp khoa học Paphiopedilum Pfitz. Tên Latinh nọ được nhà phong lan học Đức Ernst Hugo Heinrich Pfitzer (1846 - 1906) đặt năm 1886 dựa vào hình dáng cánh môi hoa dạng túi nom giống mũi hài giai nhân, vốn là sự kết hợp 2 từ Hy Lạp: Paphia - nữ thần Venus, pedilon - chiếc hài.

Sách “Phong lan Việt Nam” do Trần Hợp biên soạn (NXB Nông Nghiệp, 1998) mô tả 14 loài thuộc chi lan Hài Paphiopedilum - từ đây viết tắt P. - Pfitz. rằng: “Trên thế giới, chi lan Hài có trên 50 loài, phân bố rộng từ Hymalaya, Trung Quốc, qua Đông Nam châu Á, Indonesia đến Tân Ghi Nê. Ở Việt Nam, chi có khoảng trên 10 loài, phân biệt nhau bằng cánh hoa (cánh đài lưng, cánh tràng) và nhị kép”.

Vì lắm lý do, nhiều loài lan hài đã… tuyệt chủng! Bởi thế, bây giờ hễ tái phát hiện được loài lan hài nào, ngay lập tức tạo sự kiện.

Năm 1990, ngăn chặn nguy cơ lan hài bị thu hái bừa bãi, tổ chức mang tên Hiệp ước Mậu dịch quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng / The Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora (CITES) ra quyết nghị: Cấm thương mại quốc tế toàn bộ chi lan Hài. Quyết nghị không can thiệp kinh doanh nội địa, trái lại còn khuyến khích nuôi trồng nhân tạo nhằm gia tăng sản lượng lan hài cho cộng đồng thế giới.

Hoa đặc trưng Sapa là lan hài kép trên tem bưu chính.
Hoa đặc trưng Sapa là lan hài kép trên tem bưu chính.

Li kì buôn bán lan hài Việt Nam

Tờ Orchid Digest - chuyên san về phong lan xuất bản ở Mỹ - thực hiện một số đặc biệt về loài lan hài P. delenatii đã “biệt tích giang hồ” hơn 60 năm, kèm lời phỏng đoán: Nếu cất công truy lùng từ khu “Tam giác vàng” sang các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam, hy vọng sẽ tìm thấy lan hài P. delenatii. Bất chấp nguy hiểm, nhiều tốp săn lan đổ về địa bàn đó suốt thời gian dài mà tay trắng vẫn trắng tay.

Bất ngờ thay, đúng thuở ấy, cư dân Sông Pha - vùng núi rừng ven biển Ninh Thuận - tình cờ phát hiện loài cây thấp nhỏ sống trên ghềnh đá dưới tàn cây thưa nơi lưng chừng núi, độ cao khoảng 800m. Giáp Tết, loài này trổ hoa màu phớt hồng, thoảng hương thơm, cánh môi dạng túi gần tròn và hồng tía, trông y hệt chiếc hài nhung. Họ nhổ đem lên chợ Đà Lạt, rao bán “lan hài đỏ”. Vì chưa thấy hoa nên khách chơi lan ở Lâm Đồng tỏ vẻ hững hờ.

Cũng thuở ấy, thương gia Đài Loan tên H. đến Đà Lạt thu mua địa lan, xin ít cây “lan hài đỏ” rồi hồi hương nhờ chuyên gia thẩm định. Kết quả vượt quá sự trông đợi: Đấy chính là lan hài P.delenatii. Chớp cơ hội bằng vàng, H. tức tốc quay lại Việt Nam, tìm các lâm dân Sông Pha và ra điều kiện: Bao tiêu không hạn chế số lượng “lan hài đỏ”, thu mua theo lối cân ký với giá tương đương... rau cải. Chỉ trong hai tháng 7 và 8/1993, H. thoải mái chuyển về Đài Loan 3 tấn lan hài P. delenatii bằng cách kê khai chung chung là địa lan và ủy thác ngoại kiều, nhiều chuyến không qua kiểm định. Từ Đài Loan, cây lan hài đặc hữu của Việt Nam xuất qua Anh, Pháp, Đức, Nhật, Mỹ... Trong thương vụ béo bở này, ước tính H. lãi nhiều triệu USD!

Tháng 9/1993, ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, có 2 cây “lan hài đỏ” trổ hoa. Nhà giáo Nguyễn Thiện Tịch - công tác tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, kiêm Phó cCủ tịch Hội Hoa lan cây cảnh TPHCM - liền đến Đơn Dương để khảo sát, đoạn thông báo: “Đã tìm lại được nguồn lan hài P. delenatii đặc hữu của Việt Nam”.

Lan hài đỏ / hồng Sông Pha, Ninh Thuận.
Lan hài đỏ / hồng Sông Pha, Ninh Thuận.

Chủ nhân chưa biết hết “kho báu”

Trong điều kiện tự nhiên, duy chỉ châu Á mới có lan hài. Bản đồ lan hài thế giới tô đậm 3 quốc gia Đông Dương, lấy Việt Nam làm điểm tập trung.

Đến nay, lan hài Vệ Nữ được biết hơn 60 loài, ước tính Việt Nam chiếm phân nửa. Hiện bên cạnh loài P. delenatii thường được gọi là lan hài đỏ hoặc lan hài hồng, đã phát hiện thêm tại nước ta ít nhất 15 loài khác thuộc chi lan Hài.

Thêm loài lan hài đặc hữu nữa của Việt Nam được phát hiện trong Vườn Quốc gia Tam Đảo ở tỉnh Vĩnh Phúc: Lan hài lục P. gratrixianum.

Việt Nam còn có kim hài tức lan hài vàng P. villosum, lan hài tía P. purpurathum, lan hài trắng P. emersonii, lan hài vân P. callosum, lan hài vân duyên P. amabile, lan hài đốm P. concolor, lan hài lông P. hirsutissimum, lan hài râu P. parishii, lan hài hiệp P. hiepii, lan hài bắc P. henryanum, lan hài đẹp P. bellatulum, lan hài lùn P. helenae, lan hài thái P. appletoniaum, lan hài trang trí P. insigne.

Lan hài kép P. dianthum được thị trấn Sapa ở tỉnh Lào Cai chọn làm loài hoa đặc trưng. Họa sĩ Nguyễn Du thiết kế lan hài kép trổ hoa với nhà thờ đá hậu cảnh trên tem bưu chính “Du lịch Sapa” phát hành ngày 1/10/2003.

Phóng sự “Lan hài đất Việt” của Phanxipăng đăng trên tạp chí Thế Giới Mới 522, số xuân Quý Mùi 2003, nêu dự đoán bởi giới chuyên môn: Tương lai gần, bộ sưu tập lan hài Việt Nam có khả năng hơn 30 loài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.