Hiểu đúng về nước máy cao cấp

GD&TĐ - Một trong những lý do để nhà máy nước sông Đuống dự kiến bán giá nước sạch với mức giá 10.246 đồng/m3 là sẽ cung cấp nước sạch cao cấp cho người dân. Theo các chuyên gia, không có khái niệm nào là nước sạch cao cấp, mà chỉ có nước đạt tiêu chuẩn Việt Nam hay không.

Nước sạch được người dân sử dụng hàng ngày.    Ảnh: Hữu Cường
Nước sạch được người dân sử dụng hàng ngày. Ảnh: Hữu Cường

Nước máy sạch hơn cả nước uống đóng chai!!!

Trao đổi trên Báo Tuổi trẻ về giá bán của nhà máy nước Sông Đuống, bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống cho biết, cái khác biệt lớn nhất trong sản xuất nước là công nghệ, công đoạn xử lý làm sao ra giọt nước cuối cùng phải không mùi, không vị, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Đây là công nghệ châu Âu, các quy trình được khép kín toàn bộ bằng robot, tự ngắt, tự xúc xả khi có sự cố, không cần phải có bàn tay của con người. “Tôi cam kết và bảo đảm nước uống được tại vòi, đạt tiêu chuẩn của châu Âu, sạch hơn cả nước suối đóng chai.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta quan tâm đến chất lượng hay về giá, một chai nước suối nhỏ cũng đã 5.000 - 6.000 đồng rồi, đây cả mét khối nước chất lượng hơn nước đóng chai, giá hơn 10.000 đồng”, bà Liên nói.

TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa và Đèn Tiết kiệm năng lượng cho biết, tiêu chuẩn của nước sông Đuống thế nào thì nên công bố.

Không thể cứ nói nước chất lượng hơn mà phải đưa ra các thông số, có đạt thông số tiêu chuẩn nước sạch hay không? Ngoài ra, công nghệ lọc nước cho ra nước uống tại vòi không phải là phức tạp, nhưng liệu loại nước đó có phù hợp để sử dụng cho các mục đích sinh hoạt khác như rửa rau, giặt quần áo, xả bồn cầu...

TSKH Lê Huy Bá, Viện KH&CN Quản lý Môi trường cho rằng, tiêu chuẩn Việt Nam về nước uống và nước sinh hoạt hiện đã rất rõ ràng, chỉ cần đáp ứng đúng, đủ là người dân có thể yên tâm sử dụng nước sạch.

Việc nói nước sinh hoạt mà sạch hơn cả nước đóng chai là cách nói hình ảnh, thổi phồng để quảng cáo, vì nước sạch suy cho cùng chỉ là nước với đầy đủ các tiêu chuẩn đã được quy định, chứ không thể bổ sung thêm vào đó các dưỡng chất thần kỳ, và cũng không nên lọc bỏ hết sạch các chất có trong nước.

Nên “sạch hơn” là như thế nào? Nước quá sạch (nước tinh khiết) lại rất có hại cho sức khỏe. Nhiều khi đây chỉ là chiêu trò để kinh doanh của các doanh nghiệp, quảng cáo nhằm bán hàng hơn là sự thật công nghệ.

Công nghệ nước uống tại vòi không khó

Theo TSKH Lê Huy Bá, công nghệ xử lý nước uống tại vòi không quá phức tạp, chỉ xử lý được các loại vi khuẩn như E.coli là xong. Để diệt khuẩn, người ta dùng clorin hoặc sục ozon.

Các tiêu chuẩn khác về hàm lượng khoáng thì chỉ cần đạt TCVN là được. Nếu bảo đây là một trong những lý do khiến giá nước tăng cao thì không hợp lý. Hơn nữa, để biết chất lượng nước thế nào thì phải được kiểm định liên tục.

Và giá nước sạch phải được Nhà nước quản lý chứ không thể giao cho các công ty độc quyền, và chất lượng nước thì phải được các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ.

PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, không biết nước sạch hơn nước đóng chai của nhà máy nước sông Đuống có thành phần thế nào. Đa phần các công ty sản xuất nước uống đóng chai đều sử dụng nước máy là nguyên liệu ban đầu.

Sau đó qua các công đoạn xử lý khác nhau người ta lọc bỏ hết các loại khoáng chất, vi chất, chỉ còn lại nước tinh khiết có thành phần là hydro và oxy. Nước đóng chai nếu không được bổ sung khoáng chất sẽ không tốt cho sức khỏe. Hơn nữa đầu tư công nghệ sản xuất nước tinh khiết để phục vụ cho nước sinh hoạt là cũng không hợp lý và lãng phí.

Nước tinh khiết là nước không có bất cứ thành phần khoáng chất nào trong đó. Đa phần các công ty sản xuất nước uống đóng chai đều sử dụng nước máy là nguyên liệu ban đầu.

Sau đó qua các công đoạn xử lý khác nhau người ta lọc bỏ hết các loại khoáng chất, vi chất, chỉ còn lại nước tinh khiết có thành phần là hydro và oxy.

Nhiều người cho rằng, khi những lo lắng về chất lượng nguồn nước ngầm và cả nước máy chưa được giải quyết thỏa đáng thì việc uống nước tinh khiết là tốt cho cơ thể, tránh nhiễm bệnh từ các thành phần kim loại độc hại có trong nước uống. Nhưng đây là cách hiểu sai lầm.

“Không chỉ là thiếu hụt vi chất, khoáng chất, nếu sử dụng lâu dài, dùng nước tinh khiết hoàn toàn thì cơ thể thậm chí phải đào thải vi chất, khoáng chất, điều này rất nguy hại cho sức khỏe. Đáng tiếc là trên nhãn các sản phẩm nước tinh khiết, không thấy có những cảnh báo này.

Hoặc để bảo đảm sức khỏe thì phải đưa ra cảnh báo, người dùng nếu uống nước tinh khiết lâu dài thì phải bổ sung vi chất, khoáng chất qua đường ăn uống khác, hoặc thậm chí phải dùng đến thuốc để bổ sung”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Do đó, dù phía đơn vị cung cấp nước có xử lý đến mức cung cấp nước máy tinh khiết cho người dân thì cũng không phải là giải pháp tốt cho sức khỏe.

Dùng nước nào là tốt nhất?

Theo các chuyên gia, nước đun sôi để nguội có tốt hơn, an toàn hơn không lại phụ thuộc vào nguồn nước. Nếu nước máy hoặc nước ngầm khi đem đi đun sôi mà có tồn dư các thành phần kim loại nặng thì dù có đun sôi cũng không tốt cho cơ thể.

Ngược lại, nếu đã bảo đảm vệ sinh an toàn thì nước đun sôi để nguội sẽ cung cấp đầy đủ các nguyên tố vi lượng và khoáng chất cho cơ thể hơn là sử dụng hoàn toàn nước uống tinh khiết.

“Trường hợp không có nguồn nước an toàn để uống thì có thể dùng nước tinh khiết, nhưng phải bổ sung vitamin, nguyên tố vi lượng bằng thuốc, hoặc bằng đường ăn uống khác. Nước đun sôi để nguội về nguyên lý chỉ diệt khuẩn, các thành phần khác có trong nước vẫn được giữ lại.

Do đó, nếu nguồn nước sử dụng là an toàn thì dùng nước đun sôi để nguội uống sẽ tốt. Trường hợp dùng nước máy đựng vào vật chứa đậy kín để lắng cặn rồi mới đun sôi để uống. Trong trường hợp nước máy không bảo đảm được yêu cầu về khoáng chất, tốt nhất người dân cần tìm hiểu và có biện pháp xử lý phù hợp như mua các máy có bán trên thị trường”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Nước uống tốt nhất cho sức khỏe là nước khoáng tự nhiên với hàm lượng khoáng vừa đủ. Nước khoáng là loại nước mà trong đó ngoài việc đạt tiêu chuẩn về độ sạch như nước tinh khiết thì nó còn phải bảo đảm bên trong có chứa một số khoáng chất như Natri, Canxi, Kali… có lợi ích với sức khỏe hoặc hỗ trợ chữa bệnh cho con người. Nếu không có điều kiện uống loại nước này thì nước sạch đun sôi để nguội là giải pháp tối ưu.

Nước uống không đơn giản là để thải độc mà phải cung cấp vi lượng và khoáng chất cho cơ thể. Nước tinh khiết không đảm nhận được chức năng này. Về lâu dài, khi cơ thể thiếu hụt khoáng chất và vi lượng sẽ dẫn đến loãng xương, suy giảm hệ miễn dịch. Nước tinh khiết là nước sạch theo đúng nghĩa đen, nhưng vì chúng không chứa bất cứ loại khoáng chất, nguyên tố vi lượng nào nên chúng không tốt cho cơ thể.
PGS.TS Phạm Văn Nho, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ