Giọng nói của mẹ có tác dụng kỳ diệu với trẻ sinh non

GD&TĐ - Một em bé sinh non thường phải tách khỏi cha mẹ và được đưa vào lồng ấp để được chăm sóc đặc biệt.

Giọng nói của mẹ có thể giảm đau cho trẻ sinh non.
Giọng nói của mẹ có thể giảm đau cho trẻ sinh non.

Trong vài tuần, trẻ sẽ phải trải qua các thủ thuật y tế thông thường có thể gây đau đớn nhưng không được dùng nhiều thuốc giảm đau vì nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển. Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho thấy, giọng nói của người mẹ làm giảm các dấu hiệu đau đớn ở trẻ sinh non khi chúng phải chịu các can thiệp y tế.

Giảm đau không cần thuốc

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Geneva (UNIGE) phối hợp với Bệnh viện Parini và Đại học Valle d’Aosta ở Italy đã quan sát thấy khi người mẹ nói chuyện với con vào thời điểm can thiệp y tế, các dấu hiệu biểu hiện cơn đau của trẻ giảm đi và mức oxytocin (hormone liên quan đến sự gắn bó và giảm căng thẳng) tăng lên đáng kể.

Điều này có thể chứng minh cho việc kiểm soát cơn đau tốt hơn. Kết quả trên đây cho thấy, sự hiện diện của cha mẹ đối với trẻ sinh non rất quan trọng. Các bé phải chịu áp lực căng thẳng từ khi sinh ra và sự hiện diện này có tác dụng thực sự đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Ngay khi chào đời trước 37 tuần tuổi, trẻ sinh non được tách khỏi cha mẹ, được đưa vào lồng ấp và thường được chăm sóc đặc biệt. Các bé phải trải qua các can thiệp y tế hàng ngày như đặt nội khí quản, lấy mẫu máu, truyền thức ăn… vốn cần thiết để duy trì sự sống. Tuy nhiên, chúng lại có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển và kiểm soát cơn đau của các bé.

Trong khi đó không phải lúc nào các bác sĩ cũng có thể giúp các bé bằng thuốc giảm đau vì tác dụng phụ của nó đối với hệ thần kinh non nớt có thể rất lớn. Tuy có những cách để xoa dịu nỗi đau cho em bé, như quấn tã, dùng dung dịch đường hoặc ngậm núm vú nhưng dường như vẫn chưa đủ.

Trong vài năm nay, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hiện diện của cha hoặc mẹ thực sự có tác động làm dịu cơn đau của trẻ, đặc biệt là thông qua các điều chỉnh cảm xúc của giọng nói.

Đây là lý do tại sao nhóm của Giáo sư Didier Grandjean từ Bộ phận Tâm lý học thuộc Khoa Tâm lý học và Khoa học Giáo dục (FPSE), Trung tâm Khoa học Cảm xúc (CISA) của UNIGE quan tâm đến sự tiếp xúc sớm giữa người mẹ và trẻ sinh non. Ngoài ra, Giáo sư Didier Grandjean cũng chú ý đến tác động của giọng nói người mẹ đến sự kiểm soát cơn đau, các cơ chế tâm lý và não của trẻ.

Trẻ sinh non trong lồng kính.

Trẻ sinh non trong lồng kính.

Đau đớn giảm rõ rệt

Để kiểm tra giả thuyết trên, các nhà khoa học đã theo dõi 20 trẻ sinh non tại Bệnh viện Parini (Italy) và yêu cầu người mẹ có mặt trong quá trình các bé được chích gót chân để lấy máu xét nghiệm hàng ngày.

Tiến sĩ Manuela Filippa trong nhóm của Giáo sư Didier Grandjean cho biết: “Chúng tôi tập trung vào nghiên cứu giọng nói của mẹ bởi vì trong những ngày em bé mới chào đời, cha các em khó có mặt hơn do điều kiện công việc”.

Nghiên cứu trên được tiến hành trong 3 giai đoạn, kéo dài 3 ngày để có thể so sánh mũi tiêm đầu tiên được thực hiện mà không có mặt người mẹ, lần thứ 2 có mẹ nói chuyện với em bé và lần thứ 3 người mẹ hát cho bé nghe. Thứ tự của các điều kiện này được thay đổi ngẫu nhiên.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Geneva cho biết: “Đối với nghiên cứu này, người mẹ bắt đầu nói hoặc hát 5 phút trước khi, trong khi và sau khi bé được tiêm. Chúng tôi cũng đo cường độ của giọng nói để bảo đảm nó át được tiếng ồn xung quanh do nơi chăm sóc đặc biệt thường nhiều tiếng ồn từ máy thở và các thiết bị y tế khác”.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu quan sát xem cơn đau của em bé có giảm đi khi người mẹ hiện diện hay không. Để làm điều này, họ đã sử dụng Hồ sơ về cơn đau ở trẻ sinh non (PIPP - Preterm Infant Pain Profile), thiết lập một mạng lưới mã hóa từ 0 đến 21 cho các biểu hiện trên khuôn mặt và các thông số sinh lý (nhịp tim, oxy) để chứng minh cảm giác đau đớn của em bé.

“Để mã hóa hành vi của trẻ sinh non, chúng tôi đã ghi hình từng xét nghiệm máu và đánh giá video của nhân viên đã qua đào đạo thực hiện. Những video này không có âm thanh để người đánh giá không biết liệu người mẹ có hiện diện hay không” – nhà khoa học Didier Grandjean nhấn mạnh.

“Kết quả rất ấn tượng: PIPP là 4,5 khi mẹ vắng mặt và giảm xuống 3 khi mẹ nói chuyện với em bé. Khi mẹ hát, PIPP là 3,8. Sự khác biệt này với giọng nói có thể được giải thích là do khi hát, do bị ràng buộc bởi giai điệu, người mẹ ít điều chỉnh ngữ điệu giọng của mình theo những gì cô ấy cảm nhận được ở con mình. Tuy nhiên, khi người mẹ nói thì không như vậy” - các giáo sư của Đại học Geneva nhấn mạnh.

Tiếp theo, các nhà khoa học xem xét những thay đổi ở đứa trẻ khi được nghe tiếng mẹ nói. Giọng nói của mẹ làm tăng lượng oxytocin ở trẻ sơ sinh. Tiến sĩ Manuela Filippa giải thích: “Chúng tôi nhanh chóng chú ý tới oxytocin (còn gọi là hormone gắn kết)”. Oxytocin là hormone có tác dụng cải thiện tình cảm, giảm đau, giảm căng thẳng.

Phân tích mẫu nước bọt của em bé trước khi mẹ nói hoặc hát và sau khi chích gót chân, nhóm nghiên cứu phát hiện nồng độ oxytocin của trẻ sơ sinh tăng từ 0,8 picogram mỗi mililit lên 1,4 picogram khi nghe mẹ nói. “Đối với oxytocin, đây là một sự gia tăng đáng kể” – Tiến sĩ Manuela Filippa nói.

Theo bà Manuela Filippa, những kết quả này cho thấy, tác động tích cực từ sự hiện diện của người mẹ khi trẻ sinh non trải qua các thủ thuật y tế đau đớn.

“Cha mẹ đóng vai trò bảo vệ ở đây và họ có thể hành động, cảm nhận sự liên quan trong việc giúp con mình càng nhiều càng tốt. Điều này tăng cường sự gắn kết mà thường trẻ em sinh đủ tháng mới có được” – nhà khoa học Didier Grandjean kết luận.

Theo Scitechdaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ