Chernobyl có thể trở thành di sản thế giới

GD&TĐ - 35 năm sau tai nạn hạt nhân khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại, chính phủ Ukraine đang nỗ lực đưa “vùng đất chết” Chernobyl thành di sản thế giới để thu hút khách du lịch.

Tàn tích của một khu vui chơi dành cho thiếu nhi trước đây tại Chernobyl.
Tàn tích của một khu vui chơi dành cho thiếu nhi trước đây tại Chernobyl.

Một nhà máy điện hạt nhân phủ bụi, nằm giữa những đống gạch vụn và các tòa nhà bị bỏ hoang không phải là hình ảnh gợi liên tưởng đến di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Nhưng chính phủ Ukraine lại đang có tham vọng giành lấy danh hiệu này cho nhà máy Chernobyl.

Nếu thành công, Chernobyl sẽ đứng cùng hàng ngũ những di tích mang tính biểu tượng nhất đối với văn hóa và văn minh nhân loại, chẳng hạn như thành phố cổ Petra của Jordan, những cột trụ to lớn của Stonehenge, Tử Cấm Thành của Bắc Kinh và Đảo Phục Sinh cao ngất ở Rapa Nui.

Theo trang web của UNESCO, để được xem xét đưa vào danh sách di sản thế giới, một địa điểm “phải có giá trị phổ quát vượt trội” và bảo đảm ít nhất một chất lượng phù hợp với tiêu chí lựa chọn của cơ quan này.

Một số địa điểm trong danh sách đại diện cho những ví dụ ngoạn mục và độc đáo về sự hùng vĩ trong thế giới tự nhiên, chẳng hạn như Công viên Quốc gia Yosemite và Yellowstone ở Hoa Kỳ; Vịnh Hạ Long của Việt Nam; Rạn san hô Great Barrier của Úc, Rừng Białowieża nguyên sinh nằm giữa Nga và Belarus.

Các địa điểm khác, Vạn lý Trường thành của Trung Quốc, tàn tích Chichén Itzá của Mexico và thành phố Venice, Ý, giành được một vị trí trong danh sách vì tầm quan trọng trong lịch sử nhân loại cũng như vẻ đẹp hiếm có của chúng.

Các địa điểm trong danh sách được bảo vệ pháp lý nhất định và có thể nhận được hỗ trợ tài chính từ Quỹ Di sản Thế giới để giúp bảo tồn, theo UNESCO.

Để một địa điểm đủ điều kiện đưa vào danh sách của UNESCO, trước tiên nó phải được thêm vào danh sách di sản văn hóa và lịch sử ở quốc gia xuất xứ của nó.

Theo Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko: “Chúng tôi tin rằng việc đưa Chernobyl vào danh sách di sản của UNESCO là bước đầu tiên và quan trọng để đưa địa danh tuyệt vời này trở thành một điểm du lịch đặc trưng được cả nhân loại quan tâm.

Tầm quan trọng của khu vực Chernobyl vượt xa biên giới của Ukraine. Nó không chỉ mang tính chất kỷ niệm, mà còn là về lịch sử và quyền của con người”.

Trên thực tế, ngành du lịch đã và đang bùng nổ trong khu vực cấm. Một trong những thành phố trong khu vực - Pripyat, nơi sinh sống của khoảng 49.000 người vào năm 1986 - ngày nay là một thị trấn ma tận thế; nhà cửa, trường học và bệnh viện nơi đây không có người ở và là nơi cư trú của thực vật và động vật hoang dã.

Khu vực cấm lần đầu được mở cửa cho du khách vào năm 2010, và các tòa nhà kỳ quái với cây mọc um tùm của Pripyat nhanh chóng trở thành điểm đến nổi tiếng của các nhiếp ảnh gia và những người đam mê du lịch ở những địa điểm thảm họa.

Nhưng ngành du lịch Chernobyl thực sự cất cánh sau thành công của loạt phim bộ kịch tính năm 2019 trên kênh truyền hình HBO, “Chernobyl”. Các hướng dẫn viên ở Ukraine báo cáo lượng đặt tour năm 2019 tăng 30% so với năm trước. Khoảng 124.000 khách du lịch đã đến thăm Chernobyl vào năm ngoái và khoảng 100.000 trong số họ đến từ bên ngoài Ukraine.

Các nhà khoa học cũng đang theo dõi Chernobyl để theo dõi cách động vật hoang dã trong khu vực cấm trừ thích nghi với mức độ phơi nhiễm phóng xạ khiến khu vực này trở nên không an toàn đối với con người - và một số phát hiện của họ khả quan một cách đáng ngạc nhiên.

Để ví dụ, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sói xám (Canis lupus) đang phát triển mạnh gần Chernobyl, một phần có thể là do chúng có nhiều con mồi và nhiều lãnh thổ chưa bị con người tác động.

Và một loài ngựa hoang châu Á quý hiếm được gọi là ngựa Przewalski (Equus ferus przewalskii) cũng đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực cấm.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ