Bài toán phân loại và xử lý rác thải

GD&TĐ - Phân loại rác tại nguồn không chỉ làm giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường mà còn thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế và có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.

Lò đốt rác tự chế của nông dân Trương Văn Thủy (Ảnh VH)
Lò đốt rác tự chế của nông dân Trương Văn Thủy (Ảnh VH)

Hướng xử lý rác thải   

Bà Lê Hoàng Lan, Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu hiện nay vẫn là công nghệ chôn lấp. Cụ thể, công nghệ đốt chiếm khoảng 14%, công nghệ ủ phân hữu cơ khoảng 34% và công nghệ xử lý liên hợp kết hợp giữa ủ hữu cơ và đốt chiếm khoảng 52%.

Hiện nay, công nghệ chôn lấp rác gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của nhiều người dân xung quanh. Diện tích các bãi chôn lấp rác ngày một hạn chế. Công nghệ đốt rác hiện đại lại có chi phí lớn. Do vậy, giải pháp đơn giản, hiệu quả và bền vững chính là thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Việc phân lọa tại nguồn sẽ phục vụ cho công nghiệp tái chế, thay đổi công nghệ xử lý theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển.

Lựa chọn công nghệ xử lý rác bị phụ thuộc vào đặc điểm nguồn rác hiện có, chứ không theo các tiêu chuẩn đầu ra về sản phẩm và chỉ số môi trường. Công nghệ kém, sự ô nhiễm sẽ vẫn lửng lơ xung quanh các lò đốt, và tiếp tục lây lan theo vòng chu chuyển của sản phẩm tái chế.

Chôn lấp, ủ phân hữu cơ, đốt rác phát điện, đốt rác tiêu hủy, đốt rác tạo năng lượng (điện năng và nhiệt năng), công nghệ tái chế, công nghệ thu hồi khí mêtan… Mỗi loại hình sẽ phụ thuộc vào quy mô, lượng rác thải thu gom và công suất của lò đốt rác và khả năng đầu ra, tiêu thụ của từng địa phương. Đặc biệt, cần cân nhắc về chi phí vốn và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để xử lý rác thải hiệu quả, cần thiết phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế tái sử dụng. Hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống. Khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Các doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải đều có những cơ hội và những thách thức như nhau.

Cơ hội ở đây là những chính sách khuyến khích của Chính phủ, là nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu của ngành sản xuất; còn thách thức chính là việc đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và việc chấp hành các quy định của pháp luật môi trường.

Nguyên tắc “4R”

"Trong nguyên tắc “4R” để giải quyết vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, thì “Reduce” – giảm thiểu là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, chi phối 3 chữ R còn lại. Có nhận thức về tầm quan trọng của việc giảm thiểu xả rác, thì người dân mới có thể từ chối (Refuse) các sản phẩm gây hại môi trường, mới tăng cường tái sử dụng (Reuse). Quá trình tái sản xuất (Recycle) mới có thể được thúc đẩy", bà Lan cho biết thêm.

Rác thải vứt bừa bãi tại Khu du lịch Đền Sóc (Ảnh VH)

Rác thải vứt bừa bãi tại Khu du lịch Đền Sóc (Ảnh VH)

Chính quyền các địa phương cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đang sản xuất các chai nước dùng một lần chuyển sang thay thế bằng các chai thủy tinh. Hay tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường trong giai đoạn đầu, sau đó có những quy định bắt buộc thực hiện.

Đặc biệt, ngay cả khâu phân phối lưu thông những sản phẩm này cũng cần được kiểm soát, các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng không nên tiếp nhận và bán các sản phẩm dùng chai nhựa mới có thể hạn chế những sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Đối với những doanh nghiệp tái chế các sản phẩm từ nhựa hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước song song với việc đưa ra những yêu cầu về cắt giảm đồ nhựa sử dụng 1 lần, cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tái chế.

Ngoài ra, để chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần có hiệu quả, cần thiết phải có quy định pháp luật về vấn đề này. Có quy định pháp luật mới có chế tài xử phạt. Thậm chí, cũng cần có các quy định chi tiết các ngành hàng kinh doanh nào không được sản xuất, sử dụng vật đựng bằng nhựa dùng một lần.

Ông Nguyễn Thi (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Trong lần sửa Luật bảo vệ môi trường, cần thiết phải đưa nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên, thực hiện tuần hoàn tài nguyên. Đây chính là cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn. Muốn như vậy phải có các chế định sau: Coi chất thải là tài nguyên, thu phí rác thải dựa trên khối lượng. Chế định về phân loại, thu gom chất thải và rác thải sinh hoạt, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải, Chế định về EPR mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu hồi sản phẩm thải bỏ sau sử dụng, Quy định về quản lý chất thải nhựa”.

Hiện nay, thuế đối với túi nilon tuy có tăng nhưng chưa đạt được hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu thay đổi thói quen người tiêu dùng. Do vậy, cần tính toán thêm chi phí thay đổi thói quen người tiêu dùng để đánh thuế. Nếu muốn sử dụng túi nilon dùng một lần thì phải trả tiền. Đồng thời, hoàn thiện phí thu gom, xử lý rác thải, việc định lượng phải căn cứ vào khối lượng và loại rác thải. Thực hiện việc giám sát và xử lý vi phạm hành chính, xử lý bằng các biện pháp phù hợp đối với hành vi vứt rác bừa bãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.