Khó xử lý 'rác' quảng cáo bủa vây đô thị?

GD&TĐ - Bất chấp các quy định về hoạt động quảng cáo, những tờ rơi, bảng chữ rao vặt vẫn xuất hiện ở các bờ tường, cột đèn, cột điện, tủ điện, cây xanh...

Rất nhiều khu vực tại Hà Nội đang bị 'rác' quảng cáo xâm chiếm làm mất mỹ quan đô thị.
Rất nhiều khu vực tại Hà Nội đang bị 'rác' quảng cáo xâm chiếm làm mất mỹ quan đô thị.

Bất chấp các quy định về hoạt động quảng cáo, những tờ rơi, bảng chữ rao vặt vẫn xuất hiện trên các bờ tường, cột đèn, cột điện, tủ điện, cây xanh... làm mất mỹ quan đô thị tại nhiều khu vực ở Hà Nội.

Ra đường là thấy “rác”

Hiện nay, tờ rơi quảng cáo không chỉ được phát ở các ngã tư mà còn được đem đến tận từng ngôi nhà, nhét vào hàng rào, khe cửa. Hầu như không ngôi nhà nào ở TP Hà Nội không phải chịu cảnh hàng ngày mở cửa, hàng mớ “rác tờ rơi” đủ các loại hình dịch vụ xuất hiện ở cửa nhà. Có gia đình nghỉ lễ 5 ngày trở về, tờ quảng cáo đã tạo thành đống rác nhỏ trong sân.

Ngoài lượng tờ rơi tăng dần theo cấp số nhân mỗi ngày theo các dịch vụ mới mở, người dân Hà Nội còn chứng kiến sự xâm lấn của vô vàn các loại rác quảng cáo khác.

Các tờ rơi dạng dán có mặt trên khắp mọi nẻo đường, ngõ hẻm của thành phố. Bất cứ bức tường trống, tường nhà, cột điện, gốc cây, đèn tín hiệu giao thông, trạm chờ xe bus... đều trở thành địa điểm lý tưởng của lực lượng dán thuê tờ quảng cáo.

Ông Nguyễn Quang Tân (phường Phương Liên, quận Đống Đa) bức xúc: “Trước cửa nhà tôi có bốt điện và cột đèn, chỉ qua một đêm, các đối tượng đã dán quảng cáo, rao vặt kín mít. Chính quyền, đoàn thanh niên cứ cạo xong là họ lại dán tiếp, nhiều trường hợp dùng sơn phun lên rất khó tẩy xóa. Khắp nơi xanh xanh đỏ đỏ, nhếch nhác, xấu xí”.

Anh Thái Thành Quang, chủ một căn nhà 3 tầng trên phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa than phiền: “Tình trạng treo dán quảng cáo bậy tràn lan mạo danh chính chủ vừa vi phạm quyền sở hữu tài sản của những người như chúng tôi, vừa làm ảnh hưởng đến bộ mặt của các tuyến đường trung tâm thành phố. Mấy lần tôi có tháo ra, nhưng hôm sau người ta lại dán các số điện thoại khác lên, thực sự không biết làm cách nào để nhà cửa của mình bớt nhếch nhác”.

Không chỉ có thế, để các quảng cáo này tồn tại lâu dài hơn, người kinh doanh còn thuê các đội sơn, vẽ tường đi sơn quảng cáo lên các địa điểm công cộng. Đơn giản thì có con dấu in sẵn số điện thoại và tên dịch vụ, đi đến đâu chỉ cần “đóng” vào các bề mặt là xong. Cầu kì hơn thì có lực lượng sơn, vẽ tường chờ đến đêm, gần sáng mang sơn phun, sơn quét, sơn xịt đi vẽ quảng cáo khắp các bức tường trống. Có những tủ điện nhìn không rõ hình vì bị dán quảng cáo chi chít.

Nhiều công ty, mặt bằng kinh doanh ở vị trí đẹp cũng đau đầu vì tình trạng mặt tiền kinh doanh của họ bị xâm phạm bởi các tờ rơi, mẫu vẽ quảng cáo. Họ không biết làm gì hơn là sáng sáng cho nhân viên xé giấy, xoá sơn, để rồi vài ngày sau lại tái xuất hiện. Ngoài ra còn có các biển quảng cáo được làm công phu, tận dụng treo lên cây, cột đèn, bảng khu phố cũng không ít, gây ra sự lộn xộn trong đô thị, chắn tầm nhìn của người đi đường.

Có chế tài nhưng vẫn khó xử lý

Pháp luật hiện hành đã có quy định rất rõ ràng và áp dụng mức phạt nghiêm khắc với hành vi xả rác quảng cáo nơi công cộng. Thời gian qua, chính quyền và lực lượng chức năng và người dân... cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng cáo, rao vặt.

Nghị định 28/2017 được ban hành đã tăng mức phạt cho hành vi thuê và trực tiếp dán bảng quảng cáo nơi ở công cộng. Theo đó, người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt 1 - 2 triệu đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo được treo, dán tại những nơi nói trên bị phạt nhiều, 5 - 10 triệu đồng.

Theo các chuyên gia pháp lý, trách nhiệm chính trong việc phát hiện, kiểm tra, xử phạt rác quảng cáo, rao vặt trước hết thuộc về cơ quan văn hóa, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường và lực lượng công an.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có cơ quan, lực lượng nào được giao nhiệm vụ một cách cụ thể về việc giải quyết vấn nạn quảng cáo rao vặt. Vì đó mà không có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các lực lượng chức năng.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Tinh Thông, trước đây việc truy theo số điện thoại để xử phạt rất khó do người quảng cáo sử dụng sim rác. Song, hiện nay các nhà mạng đã siết chặt việc quản lý thuê bao điện thoại và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để có thể chặn những quảng cáo rao vặt trái phép.

“Tôi nghĩ rằng các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông cần cần dứt khoát chặn sim rác bởi sim rác không chỉ được sử dụng để quảng cáo, rao vặt mà còn quấy nhiễu đời sống riêng tư của rất nhiều người. Nếu sim rác đã hết rồi mà chủ thuê bao còn cố tình sử dụng để quảng cáo thì kiên quyết chấm dứt hợp đồng thì mới xử lý được triệt để”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội cho rằng, nhu cầu quảng cáo, rao vặt cũng như sử dụng các dịch vụ như sửa chữa nhà cửa, điện nước, vệ sinh… trong gia đình của người dân là rất lớn. Vì vậy, người làm nghề dịch vụ có thể tận dụng công nghệ và mạng xã hội để quảng cáo, rao vặt, vừa văn minh, vừa hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Để góp phần chấm dứt nạn quảng cáo, rao vặt trên đường phố, ông Nguyễn Viết Chức khuyến cáo người dân, không nên sử dụng các dịch vụ này. Bởi, loại hình quảng cáo này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo, nhất là các dịch vụ cho vay tiền. Đó có thể là những “cái bẫy” khiến người dân sa vào “tín dụng đen” với những khoản lãi suất khổng lồ, không thể trả nổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.