Khó xác định đi lao động bất hợp pháp

GD&TĐ - Thực trạng người dân ra nước ngoài để lao động trái phép bằng nhiều hình thức  như du lịch, du học, vượt biên nên rất khó xác định. Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã đưa ra những cảnh báo về vấn đề này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chấp nhận rủi ro lớn vì nghĩ thu nhập cao

Bà Vân Hà – Trưởng phòng Thông tin - Cục Quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN) cho biết: Một số lao động lựa chọn con đường bất hợp pháp ra nước ngoài làm việc, chấp nhận mức phí cao hơn. Bởi họ có thể nhận được mức lương cao hơn do không phải đáp ứng những tiêu chuẩn lao động của nước sở tại. Họ cũng không phải thông qua đào tạo để hội tụ đủ các tiêu chuẩn cần thiết.

Ví dụ, đi Hàn Quốc, người lao động chính thức có thu nhập từ 20 – 25 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu ra ngoài làm việc bất hợp pháp, buôn bán… thì họ có thể thu nhập tới 40 - 50 triệu đồng/tháng. Những con số này khiến người lao động nhìn thấy lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, họ lại bỏ qua những vấn đề rất quan trọng là hình thức lao động này không có hợp đồng, không có bất cứ giấy tờ, không chế độ bảo hiểm… Đây là những rủi ro lớn cho người lao động khi họ vừa phải đối diện với những vấn đề về pháp lý, vừa không được bảo vệ trước những nguy cơ bị bóc lột sức lao động, bạo hành…

Đi lao động xuất khẩu theo hình thức hợp pháp tuy có hạn chế về tiền lương, nhưng đều có hợp đồng lao động, loại hình công việc, thời gian làm việc, tiền lương, bảo hiểm… Vì vậy, các điều kiện cho người lao động được bảo đảm hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần nhận thức rõ về trình độ lao động luôn tương xứng với tiền lương được nhận.

Khuyến cáo về các nguy cơ tiềm ẩn

Theo Cục QLLĐNN, việc công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống sau đó ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro. Trước hết là nguy cơ không tìm được việc làm; Trở thành người cư trú bất hợp pháp; Bị bắt giam, phạt tiền và trục xuất nếu bị phát hiện.

Do không có hợp đồng lao động hợp pháp nên việc làm và thu nhập không bảo đảm, không được hưởng các chế độ bảo hiểm và không được pháp luật nước sở tại bảo hộ. Những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động.

Ngoài ra, do không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, lãnh sự Việt Nam tại nước mà họ đến làm việc, nên khi xảy ra sự cố trong thời gian cư trú và làm việc ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ rất khó hỗ trợ để bảo vệ.

Cục QLLĐNN khuyến cáo công dân có ý định ra nước ngoài bằng visa du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp. Đề nghị các Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, rà soát, tình hình đi làm việc ở nước ngoài của dân tại địa phương nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân đưa người đi trái phép. Chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

“Cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang nỗ lực để tiếp tục giảm chi phí đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động, thông qua việc giảm tối đa các khâu trung gian và các chi phí khác liên quan. Tăng cường các kênh thông tin về xuất khẩu lao động hợp pháp. Tăng cường ký kết hợp tác lao động với một số nước. Để người lao động có thêm lựa chọn đi xuất khẩu lao động hợp pháp” – bà Vân Hà cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ