Khổ vì thiếu nước

GD&TĐ - Cũng giống như không khí, nước là một phần thiết yếu để duy trì sự sống của con người. Nước cũng ảnh hưởng đến nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, giao thông và y tế. 

Khổ vì thiếu nước

Nói vậy để thấy rằng, nước là một phần không thể thiếu trong đời sống mỗi con người nhưng cũng có nhiều người chưa ghi nhận tầm quan trọng của nước khiến tài nguyên này dần cạn kiệt. Hạn hán, xâm nhập mặn, bệnh dịch là cái giá con người phải trả cho sự vô tình của mình.

Mắc bệnh vì thiếu nước

Theo thống kê của Sở Y tế Kon Tum, hạn hán đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Do không có nước sạch nên người dân nhiều nơi phải sử dụng nước sông, suối không đảm bảo vệ sinh để phục vụ cuộc sống. Hậu quả là người già, trẻ nhỏ thi nhau nhập viện do tiêu chảy.

Tại bệnh xá quân dân y kết hợp khu vực Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum) đã tiếp nhận và điều trị cho trên 50 người bị tiêu chảy. Có nhà 1 người mắc, nhà 4 - 5 người cùng bệnh. Theo người dân nơi đây, hạn hán khiến cả người, động vật dùng chung nước sông, suối. Biết là bẩn nhưng đây là nguồn nước duy nhất còn sót lại.

Tại Bến Tre, mặc dù cách biển gần 70km nhưng nước mặn đã vào đến thành phố. Anh Nguyễn Văn Tùng (TP Bến Tre, Bến Tre) cho biết: Nhiều ngày nay, nguồn nước của thành phố đã nhiễm mặn nên người dân không cần thêm muối để súc miệng hay ngâm rau. Còn theo chị Đỗ Thị Hòa (TP Bến Tre, Bến Tre), nước mặn tới mức khi nấu ăn phải pha thêm nước suối đóng chai mới ăn được.

Mặc dù ở cạnh sông Bến Tre nhưng gia đình bác Đặng Ngọc Điều (Nhơn Thạch, Bến Tre) cũng chịu cảnh xâm nhập mặn. Theo bác Điều, năm nào cũng có tình trạng xâm nhập mặn nhưng năm nay hạn hán nên nước trong kênh rạch đều ở mức thấp trong khi thủy triều lên cao khiến nước mặn được dịp tấn công, biến nước ngọt thành nước lợ, thậm chí nước mặn. Cây cối, vật nuôi trong nhà đều bị ảnh hưởng.

Nước bẩn, thiếu nước đều liên quan đến nhiều dịch bệnh. Thiếu nước, cơ thể không được vệ sinh hàng ngày, quần áo không được giặt dễ gây bệnh ngoài da như ngứa, ghẻ. Nếu sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, con người, nhất là người già, trẻ nhỏ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ trực khuẩn, lỵ a mip, thương hàn, nhiễm giun sán hay đau mắt. Ngoài những bệnh do vi khuẩn, virus, các chất phóng xạ, hóa học hay kim loại nặng tồn dư trong nước cũng là nguyên nhân sâu xa gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như sảy thai, dị tật bẩm sinh, ung thư…

Hành động để tự cứu mình

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hiện có 1,5 tỷ người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến nước và hầu hết những công việc này đều phụ thuộc vào nước. Cứ mỗi giờ, lại có khoảng 38 người chết bởi các bệnh liên quan đến nguồn nước. Với việc cải thiện chất lượng nguồn nước và điều kiện vệ sinh, những cái chết này có thể được ngăn chặn. Nguồn nước đủ và sạch sẽ là điều kiện tiên quyết quyết định sự tồn tại của nhiều người.

Nhưng nuôi sống hơn 7 tỷ người không phải là một việc dễ dàng.

Nguồn nước không phải vô tận và trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc sử dụng nguồn nước một cách thông minh sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là việc làm khó, đòi hỏi mỗi cá nhân, cộng đồng phải chung sức đồng lòng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cũng như sử dụng nước hợp lý.

Theo đó, chỉ cần mỗi người dân không xả rac bừa bãi, không vứt rác xuống ao hồ, không lạm dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường và nguồn nước. Nhìn rộng hơn, mỗi quốc gia cần có chính sách bảo vệ nguồn nước, xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước hoặc lãng phí nước.

Dân không có nước phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, bệnh viện hoãn mổ do thiếu nước. Thiếu nước khiến cây cối, ruộng vườn héo khô đã và đang diễn ra. Thiết nghĩ, đã đến lúc mỗi cá nhân, tập thể và cả cộng đồng phải có hành động cụ thể, thiết thực để đối phó với tình trạng trên chứ không chỉ là tuyên truyền, kêu gọi.

Người dân tại Hà Nội vẫn ám ảnh với những sự cố vỡ đường ống nước liên tục, khiến mọi sinh hoạt đảo lộn mà bệnh viện cũng ảnh hưởng. Sự cố vỡ ống nước Sông Đà gần nhất làm mất nước gần một tuần, khiến hàng trăm sản phụ phải “hoãn” đẻ.

Bệnh viện Phụ sản chỉ mổ cho trường hợp cấp cứu, hoặc chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác, lên tuyến trên với trường hợp nặng… Sự cố hy hữu trên một lần nữa cho thấy, nước ảnh hưởng như thế nào đến đời sống con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.