Kho Tomahawk xuất hiện bảo vệ 'gót chân Achilles' của Mỹ

GD&TĐ - Mỹ tuyên bố triển khai tàu ngầm mang Tomahawk răn đe đối thủ nhưng theo Michael Maloof, động thái này nhằm bảo vệ 'gót chân Achilles' của Mỹ.

Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường Tomahawk của Mỹ.
Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường Tomahawk của Mỹ.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) hôm 5/11 đưa ra tuyên bố về sự xuất hiện của tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Ohio trang bị tên lửa Tomahawk ở Trung Đông, nhằm chứng minh tính linh hoạt và khả năng năng động để ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng, trấn an các đối tác, tăng cường an ninh hàng hải và đảm bảo tự do hàng hải và dòng chảy thương mại tự do.

"Bộ Tư lệnh Trung ương Lực lượng Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm về khoảng 2,5 triệu dặm vuông diện tích bao gồm Vịnh Ả Rập, Vịnh Oman, Biển Bắc Ả Rập, Vịnh Aden và Biển Đỏ.

Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Trung ương Lực lượng Hải quân Mỹ là tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, nỗ lực hợp tác an ninh và tăng cường năng lực hàng hải của các quốc gia đối tác nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực hoạt động của Hạm đội 5 Mỹ", tuyên bố của CENTCOM.

CENTCOM không nêu rõ "đối thủ tiềm tàng" mà họ đang đề cập đến là gì, hoặc sự hiện diện của tàu ngầm sẽ "đảm bảo tự do hàng hải và dòng chảy thương mại tự do" như thế nào khi tất cả các lực lượng Hamas, Hezbollah, Houthi mà Israel và Mỹ gọi là "khủng bố" đều không có năng lực hải quân.

Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, "đối thủ tiềm tàng" thực sự của Mỹ và Israel trong khu vực rõ ràng là Iran.

Chuyên gia Maloof nói rằng quyết định của CENTCOM công khai việc triển khai tàu ngầm này là hơi bất thường, vì thực tế là các tàu ngầm tên lửa của Mỹ được cho là nhánh mạnh nhất trong bộ ba hạt nhân của Mỹ nhờ khả năng lẩn tránh con mắt cảnh giác của các lực lượng an ninh kẻ thù tiềm năng bằng cách di chuyển dưới nước, nơi việc phát hiện chúng là gần như không thể.

"Tôi nghĩ việc triển khai tàu ngầm Ohio nhằm mục đích gửi một thông điệp. Thông điệp được gửi đi nhằm cố gắng ngăn chặn sự leo thang hơn nữa trên mọi mặt trận, đó là giữa giữa Israel với Hamas, Hezbollah và Houthi, mà thông điệp chính là nhằm vào Iran", nhà quan sát cho biết.

Không loại trừ khả năng chiếc tàu lớp Ohio có thể chỉ là một trong số nhiều tàu ngầm được triển khai bí mật tới khu vực cùng với hai nhóm tàu ​​sân bay tấn công của Mỹ đã được triển khai đến vào tháng trước, Maloof cho rằng có lẽ hơn bất cứ điều gì, việc triển khai tàu ngầm nhằm mục đích "bảo vệ 35 căn cứ mà Mỹ có xung quanh Iran".

"Có người từng nói đùa rằng 'ai đã đặt Iran vào giữa tất cả các căn cứ của chúng ta'. Chính Iran đã làm các căn cứ Mỹ lộ gót chân Achilles. Và tôi chắc chắn rằng tất cả căn cứ này trong khu vực đều là mục tiêu của Iran trong trường hợp xung đột leo thang", Maloof nhấn mạnh.

Nhà quan sát tin rằng "thời gian là điều cốt yếu" và không còn nhiều thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông, đồng thời chỉ ra rằng, cuộc xung đột có thể leo thang hơn nữa.

"Rõ ràng cuộc khủng hoảng Trung Đông cần có một giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự để giải quyết nó", Maloof nói và chỉ ra rằng các câu hỏi lại xuất hiện về việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thế nào sau cuộc khủng hoảng hiện tại.

"Trước khi Hamas tấn công vào Israel, Tel Aviv đang trên bờ vực của một cuộc nội chiến vì xung đột chính trị nội bộ của chính mình. Tôi nghĩ có rất nhiều biến số đang diễn ra trong khu vực", Maloof nói.

Cuối cùng, nhà quan sát tin rằng "một giải pháp lâu dài nào đó" là cần thiết và điều bắt buộc trong cuộc khủng hoảng Hamas-Israel thay vì mục tiêu cố đạt được của Israel là loại bỏ hoàn toàn lực lượng vũ trang này.

Maloof nhấn mạnh việc Israel cố gắng xóa sổ Hamas là không thực tế, vì lực lượng vũ trang này, hoặc những nhóm vũ trang tương tự khác trong khu vực thậm chí sẽ trở nên cực đoan hơn, trỗi dậy trở lại nếu không có hòa bình vĩnh viễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ