Khó như tuyển giảng viên đại học

Khó như tuyển giảng viên đại học

(GD&TĐ) - Hiện nhiều trường ĐH, CĐ đã xác định xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, thu hút nhân lực chất lượng cao là vấn đề không dễ dàng, đặc biệt quá trình đó lại diễn ra trong sự cạnh tranh như hiện nay.

Các cơ sở GD ĐH đã quan tâm hơn đến thu hút giảng viên giỏi
Các cơ sở GD ĐH đã quan tâm hơn đến thu hút giảng viên giỏi

Nhiều giải pháp thu hút

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2011-2012, đội ngũ giảng viên cơ hữu của tất cả các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước là 84.109 người, tăng 37,45% (22.919) người; số lượng giảng viên có trình độ trên ĐH là 45.512 người, tăng 56,67% so với năm học 2008-2009.

Công tác phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý được các cơ sở GDĐH chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH đều đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng, thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên. Nhiều cơ sở đào tạo đưa ra những chính sách khuyến khích về vật chất như hỗ trợ, ưu đãi về lương, thưởng, hỗ trợ khuyến khích học tập nâng cao trình độ hoặc bố trí nhà công vụ cho giảng viên trẻ,…

Tại ĐHQG Hà Nội, bên cạnh việc chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên ở trong và ngoài nước, Ban giám đốc còn quan tâm thu hút, tuyển chọn và tạo điều kiện cho những người tốt nghiệp sau đại học ở trong và ngoài nước đạt loại giỏi; có chính sách giữ được những sinh viên giỏi, học viên cao học giỏi ở lại ĐHQGHN để đào tạo lên tiến sĩ, giữ được tiến sĩ giỏi để làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và quản lý các trường thành viên cũng luôn tạo cơ hội để các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học mức độ cao và tiên tiến giúp cải thiện thu nhập bằng chính hoạt động nghiên cứu khoa học của mình.

Tương tự, theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trong năm 2012, trường này đã thu hút được 12 tiến sĩ học tập ở nước ngoài về giảng dạy tại trường. Để làm được điều này, nhiều chính sách thu hút nhân lực được trường thực hiện.

Ví dụ, giảng viên học thạc sĩ được nhà trường hỗ trợ học phí; học tiến sĩ, ngoài học phí, người học còn được hỗ trợ kinh phí bảo vệ tốt nghiệp. Người có học vị tiến sĩ về trường được bố trí chỗ làm việc, trang bị thiết bị, cấp máy tính xách tay; những người trình độ cao được sắp xếp công việc phù hợp như bố trí đề tài nghiên cứu khoa học, chuyên đề khoa học; hướng dẫn sinh viên, cao học...

Nhiều sinh viên giỏi đã được bồi dưỡng để trở thành giảng viên
Nhiều sinh viên giỏi đã được bồi dưỡng để trở thành giảng viên

...Nhưng quy mô vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

Mặc dù các trường đã rất nỗ lực, nhưng hiện tại quy mô đội ngũ giảng viên vẫn còn khiêm tốn so với tốc độ tăng quy mô đào tạo; tỉ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học còn thấp với tổng số 286 giảng viên có chức danh giáo sư trong toàn ngành (0,5%), 2009 phó giáo sư (3,37%), 8519 tiến sĩ (14,27%) và 28.037 thạc sĩ (47,0%).

Việc tuyển dụng giảng viên, nhất là giảng viên có trình độ cao của các cơ sở giáo dục ĐH mới thành lập, đặc biệt là các trường ngoài công lập và các trường của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường chưa thực hiện đúng cam kết thành lập trường về tuyển dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ bảo đảm giảng dạy 70% chương trình theo quy định.

Một số trường có số lượng giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn thấp, dưới 50 người, ví dụ: Trường ĐH Thành Đông, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường CĐ Công nghiệp Cao su, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi,…

Tỉ lệ sinh viên trên giảng cơ hữu và hợp đồng dài hạn ở nhiều trường vẫn còn cao, thậm chí rất cao như Trường ĐH Văn Hiến: 95 sinh viên/giảng viên; Trường ĐH Phú Xuân: 66,8 sinh viên/giảng viên,… Bên cạnh đó, nhiều ngành đào tạo chưa có giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo đúng quy định, như Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Tiền Giang, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội,...

Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, nhất là những trường ĐH công lập, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc thu hút người tài là thiếu nguồn lực. Muốn đào tạo người giỏi cần phải có kinh phí, trong khi đó, các trường chỉ được nhà nước cấp ngân sách một phần khiêm tốn.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, mỗi năm trường này được cấp 20 tỷ chi thường xuyên, trong đó số tiền phải trả lương mỗi tháng đã lên tới chục tỷ. Đâu là cách giải quyết – đến nay vẫn chưa thực sự có câu trả lời tối ưu.

Việc thu hút giảng viên bằng trả lương cao đối với các trường công lập cũng rất khó thực hiện. Ngoài nguồn lực có hạn, vấn đề khá tế nhị bởi không thể trả lương cho một tiến sĩ học nước ngoài mới về trường cao hơn giảng viên đã có thâm niên cống hiến cho trường hàng chục năm.

Vì vậy, biện pháp nhiều trường thực hiện hiện nay là nỗ lực tạo môi trường làm việc, cơ hội phát huy năng lực qua các đề tài nghiên cứu... để người tài thực sự thấy được ghi nhận, trân trọng, đồng thời được cải thiện thu nhập bằng chính tài năng của mình.

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.