Khó đoán định

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thế giới đang bước vào những tháng cuối năm 2023, thay vì nhận về những tín hiệu lạc quan, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thế giới đang bước vào những tháng cuối năm 2023 nhưng thay vì nhận về những tín hiệu lạc quan, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, xung đột tại Trung Đông có thể tạo ra những thách thức mới.

Về mặt ngắn hạn, tác động của xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas có thể nhìn thấy ngay trên thị trường chứng khoán và năng lượng. Giá dầu Brent và WTI đã tăng tới 5% vào hôm 9/10 trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu Israel lao dốc. Hàng loạt doanh nghiệp trong khu vực cũng phải dừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực từ sản xuất, dịch vụ đến du lịch, xuất khẩu.

Còn trong dài hạn, xung đột sẽ gây ra những tác động khó lường lên nền kinh tế toàn cầu. Cần lưu ý, Israel nằm trong khu vực các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn và sở hữu các tuyến thương mại hàng hải quan trọng.

Trong trường hợp xung đột lan rộng và ảnh hưởng đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Iran, thị trường năng lượng sẽ bị thắt chặt, đẩy giá năng lượng thế giới lên cao hơn. Còn nếu các tuyến thương mại bị đình trệ, thị trường xuất, nhập khẩu trong khu vực sẽ có nhiều xáo trộn. Điều này tạo nên một đợt lạm phát mới bất chấp các ngân hàng trung ương đang nỗ lực kiểm soát đà tăng giá cả.

Lạm phát sẽ kéo theo các nền kinh tế mất đà tăng trưởng. Hôm 10/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 so với mức 3% trong năm nay. Sự giảm tốc không chỉ do xung đột Trung Đông, mà còn đến từ nhiều nguyên nhân khác như nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục sau dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị, lạm phát leo thang...

Bên cạnh những gam màu ảm đạm, nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng nền kinh tế thế giới có thể phục hồi nhẹ. Triển vọng lớn nhất đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc.

Sau thời gian áp dụng chính sách “Zero Covid”, Chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế từ đầu năm nay nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Mới đây, Trung Quốc đã đón kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng kéo dài 8 ngày, được kỳ vọng sẽ mang lại sự gia tăng về chi tiêu tiêu dùng để bù đắp những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra.

Nếu phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc có thể thúc đẩy mạnh mẽ lên toàn cầu. Nhiều nền kinh tế khác sẽ được hưởng lợi. Đơn cử, dòng khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp tăng nhu cầu ở các thị trường như Thái Lan, Malaysia... Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc sẽ thúc đẩy lĩnh vực thương mại của các nhà xuất khẩu Đông Nam Á, Mỹ Latinh.

Nhìn chung, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của xung đột Israel và lực lượng Hamas lên nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các thị trường cần theo dõi sát sao các diễn biến trong thời gian tới, gia tăng các phương án sẵn sàng đối phó trước những diễn biến khác thường từ xung đột.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ