Khỉ tuyết cái tìm cách giao phối với hươu sao

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu tiếp tục quan sát được hành vi cưỡi lên lưng hươu sao để giao phối ở một đàn khỉ tuyết tại Nhật Bản.

Khỉ tuyết cái tìm cách giao phối với hươu sao

Tương tác sinh lý giữa khỉ tuyết và hươu sao có thể là một truyền thống mới trong đàn khỉ ở Nhật Bản, theo các nhà nghiên cứu.

Trong khi báo cáo đầu tiên về một con khỉ tuyết đực và hươu sao cái ghép đôi với nhau được chia sẻ đầu năm nay, các nhà khoa học tin chắc hành vi này mang tính sinh lý sau khi xem xét những con khỉ cái tương tác với hươu đực ở Minoo, Nhật Bản, Guardian đưa tin.

"Những tương tác sinh lý giữa khỉ và hươu trong nghiên cứu của chúng tôi có thể phản ánh sự phát triển bước đầu của một hành vi truyền thống mới ở Minoo", tiến sĩ Noëlle Gunst-Leca, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học Lethbridge, Canada, cho biết.

Dù những tương tác sinh lý giữa hai loài họ hàng gần từng được quan sát trong thế giới động vật, từ các loài cá đến khỉ đầu chó, hành vi tương tự ở những loài họ xa rất hiếm gặp. Trường hợp hải cẩu lông Nam Cực tấn công chim cánh cụt hoàng đế để giao phối là ví dụ duy nhất được biết đến trước đây.

Nhưng hồi tháng 1, một nghiên cứu hé lộ cảnh quay khỉ tuyết đực cưỡi trên lưng hươu sao cái ở đảo Yakushima phía nam Nhật Bản. Theo Gunst-Leca, bối cảnh diễn ra sự việc không rõ ràng.

"Họ đang xem xét một sự kiện riêng lẻ giữa một cá thể khỉ và một cá thể hươu. Mô tả họ đưa ra khá ngắn, mơ hồ và không có bối cảnh. Kết quả là ngay cả bản chất sinh lý của tương tác này cũng không được giải thích rõ ràng", Gunst-Leca nói.

Trong nghiên cứu mới nhất đăng hôm 11/12 trên tạp chí Archives of Sexual Behavior, Gunst-Leca và đồng nghiệp miêu tả cách họ xác định các tương tác có mang tính giao phối hay không.

Để tìm hiểu, nhóm nghiên cứu ghi chép hành vi của những con khỉ tuyết ở thành phố Minoo, phía bắc Osaka, Nhật Bản. Do chỉ có những con khỉ cái trẻ tuổi được phát hiện cưỡi trên lưng hươu, cả nhóm so sánh các tương tác với tương tác sinh lý giữa khỉ cái với nhau.

Hành vi sau là một tập tính phổ biến và cũng là hành vi duy nhất có thể so sánh, bởi trong suốt nghiên cứu, các nhà khoa học không thấy khỉ cái trẻ cưỡi trên mình khỉ đực để giao phối.

Nhóm nghiên cứu ghi chép được tổng cộng 12 trường hợp tương tác thành công giữa những con khỉ, bao gồm 6 con khỉ cái trẻ, từ tháng 11/2012 đến tháng 1/2013, với 67 lần cưỡi trên lưng. Họ cũng ghi chép 13 trường hợp tương tác có bản chất giao phối giữa khỉ và hươu từ đầu tháng 11/2014 đến tháng 1/2015, bao gồm 5 con khỉ cái với 258 lần cưỡi.

Kết quả phân tích hành vi của loài vật hé lộ không có khác biệt rõ ràng nào trong quan hệ giữa khỉ tuyết cái trẻ tuổi với những con cái khác hay hươu về tần suất tìm kiếm tương tác, cưỡi trên lưng ạn tình, thời gian giao phối hay thậm chí hướng ngồi, dù chúng thường sử dụng tư thế ngồi trên mình hươu hơn.

Các nhà nghiên cứu kết luận hành vi này có thể là khởi đầu cho một tập tục mới. Những con khỉ cái trẻ tuổi có thể quan sát đồng loại cưỡi trên lưng hươu và cố gắng bắt chước theo.

Nhóm của Gunst-Leca cũng phát hiện khỉ cái trẻ tuổi phát ra tiếng gọi âm vực cao với hươu khi nhìn chúng, và nổi cơn thịnh nộ bao gồm vùng vằng, la hét, nếu con hươu bỏ đi.

Dù chưa rõ tại sao chúng có hành vi như vậy, Gunst-Leca cho biết có một số khả năng, như đây là cách an toàn hơn để khỉ cái tham gia giao phối thay vì tiếp xúc với những con khỉ đực hung dữ, hoặc khỉ cái trẻ tuổi thường bị khỉ đực trưởng thành từ chối, khiến chúng không thể có bạn tình cùng loài.

"Những quan sát trong tương lai ở khu vực sẽ chỉ ra liệu hành vi giao phối cá biệt trong đàn này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn hay là khởi đầu của một hiện tượng lâu dài", nhóm nghiên cứu kết luận.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ