Khi Trái đất thành "hành tinh rác thải plastic"

GD&TĐ - Rác thải plastic là một trong những nguồn ô nhiễm…“bền vững” nhất của Trái đất nếu chúng ta không có cách xử lý kịp thời và đúng phương pháp. Tiếc thay, con người gần như đang thua trong cuộc chiến chống rác thải nhựa!

Khi Trái đất thành "hành tinh rác thải plastic"

Sản xuất hơn 8,3 tỉ tấn trong 65 năm

Kỳ vọng về một Trái đất “không còn rác thải nhựa” sẽ luôn luôn là kỳ vọng. Chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng chai, túi nhựa và thoải mái vất bỏ chúng ở bất cứ nơi nào thuận tiện, kể cả dưới… nước. Tỉ lệ tái chế rác thải nhựa chiếm tỉ trọng không lớn và ngày nào cũng có thêm một lượng rác khổng lồ bổ sung, đặc biệt là tại những nước đang phát triển, chưa được tiếp cận với các công nghệ xử lý rác thải hiện đại.

Mới đây, qua một công trình nghiên cứu về rác thải nhựa, các nhà khoa học Mỹ ước tính tổng số rác thải plastic được sản xuất và tiêu thụ từ khi loại chất liệu này xuất hiện trên địa cầu đã lên đến con số kinh khủng: 8,3 tỉ tấn. Đây là lượng plastic khổng lồ con người tạo ra trong 65 năm và chúng ta đang phải vất vả đối phó với nó trong một cuộc chiến không thấy… tương lai. 8,3 tỉ tấn plastic tương đương với số vật liệu đủ dùng để xây dựng 25.000 tòa cao ốc Empire State Building ở thành phố New York (Mỹ) và nặng bằng… 1 tỉ con voi trưởng thành.

 

Vấn đề lớn nhất đối với “bài toán” plastic là các sản phẩm bao bì đa dạng như túi nhựa có vòng đời cực ngắn trước khi bị vất bỏ. Hãy nhìn vào những thứ mua ở chợ về và bao bì đựng chúng tại các nước Đông Nam Á sẽ thấy qui mô của vấn đề này và sự bất lực trong việc giải quyết nó. Theo các nhà môi trường, hiện có hơn 70% sản phẩm plastic được sản xuất kết thúc số phận ngoài bãi rác. Một số đi xuống sông ngòi và ra biển. “Thật sự, loài người đang tiến dần đến việc biến Trái đất thành “Hành tinh Plastic”.

Nếu không muốn xảy ra tình trạng tồi tệ như vậy, chúng ta phải suy nghĩ lại cách sử dụng và loại bỏ các vật liệu nhựa. Tiếc thay, điều này rất khó xảy ra trong một thế giới còn quá lệ thuộc vào vật liệu nhựa, cả trong công nghiệp, xây dựng, dịch vụ lẫn cuộc sống hàng ngày của từng hộ gia đình. Ý thức về rác thải nhựa tại các nước phát triển đã có chuyển biến nhưng các nước nghèo thì không” - Tiến sĩ Roland Geyer, nhà sinh thái công nghiệp thuộc Đại học California ở Santa Barbara, một chuyên gia về rác thải rắn nhận định.

Tỉ lệ tái chế còn quá thấp

Một công trình nghiên cứu mới được công bố trên tạp san Science Advances do tiến sĩ Geyer và các cộng sự thực hiện được đánh giá là công trình mang tính toàn cầu đầu tiên về qui mô của hoạt động sản xuất, sử dụng và vất bỏ rác thải nhựa. Nghiên cứu cho thấy chỉ trong 13 năm con người cho ra phân nửa trong 8,3 tỉ tấn sản phẩm nhựa sản xuất trong 65 năm! Khoảng 30% vật liệu nhựa sản xuất trước 13 năm vẫn còn sử dụng. Chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế (số liệu năm 2014, tỉ lệ tái chế tại châu Âu là 30%, tại Trung Quốc là 25%, tại Mỹ là 9%),12% được đốt cháy và 79% đi thẳng ra bãi rác và bị chôn dưới đất. Vòng đời của bao bì chai nhựa có lúc chỉ có vài ngày và không bao giờ quá 1 năm. Các vật liệu nhựa dùng lâu nhất là trong xây dựng và cơ khí. Nếu cứ giữ vững xu thế hiện nay, năm 2050 tổng số sản phẩm nhựa sản xuất trên trái đất sẽ vượt qua 12 tỉ tấn và đa phần sẽ kết thúc vòng đời tại bãi rác.

Phải công nhận plastic là một vật liệu tiện dụng, giúp giải được bài toán bao bì. Nó vừa nhẹ, thay đổi được hình dạng và không sợ vỡ. Tính thích nghi, linh hoạt của plastic được xem là ưu điểm. Tuy nhiên, tính bền vững của nó đã biến một “vật liệu ma thuật” thành vấn nạn nhức đầu. Plastic thay thế cho bê tông, thép và gạch trong nhiều sản phẩm công nghiệp, xây dựng, tiêu dùng.

Từ khi con người bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm và vật liệu nhựa từ thập niên 1950, nhìn đâu chúng ta cũng thấy nhựa, không chỉ bao bì thực phẩm, chai lọ, quần áo chống nước mà cả các linh kiện máy bay và chất dập lửa. Từ một sản phẩm “cách mạng”, plastic biến dần thành gánh nặng của con người. Các sản phẩm plastic thông dụng không có khả năng tự phân hủy sinh học. Cách duy nhất để “giết” nó là đốt thành than qua quá trình gọi là pyrolysis hay hỏa thiêu đơn giản, dù hỏa thiêu tạo ra khói độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong khi chúng ta vẫn lúng túng với cách xử lý đống rác thải nhựa khổng lồ thì nó không chờ chúng ta mà ngày càng phình to.

Để rác thải nhựa không biến thành “thảm họa hạt nhân”

Geyer cho biết lượng plastic thải ra trên thế giới đã đủ để phủ kín toàn bộ đất nước Argentina. Ông chỉ dám hy vọng là nghiên cứu mới sẽ dẫn đến những cuộc thảo luận nghiêm túc hơn về rác thải nhựa và tìm ra cách tốt nhất, khả thi nhất (dĩ nhiên là không quá tốn kém) để giải quyết nó. “Điều trăn trở nhất của chúng tôi là bạn không thể giải quyết được một vấn đề khi không biết được qui mô của nó. Nay số liệu tương đối đầy đủ đã có. Cái còn lại là chúng ta phải bắt tay ngay vào việc, nếu không, hậu quả sẽ khó lường cho các thế hệ mai sau” – ông nói.

Trong số những giải pháp đề nghị có cả việc cấm dùng bao bì, chai lọ nhựa, phát tán loại giun ăn nhựa, dọn dẹp các đại dương. Nhưng không phải quốc gia nào cũng có kinh phí để thực hiện. “Trái đất không plastic” vẫn chỉ là giấc mơ không tưởng. Có tín hiệu đáng mừng là tỉ lệ tái chế plastic đang tăng tại một số nước và các nhà hóa học vẫn cật lực tìm ra những vật liệu thay thế cho plastic để làm bao bì. Rào cản lớn nhất là chi phí sản xuất các vật liệu mới này còn quá cao so với bao bì nhựa. Năm 2015, một nhóm nghiên cứu khác gồm tiến sĩ Jenna Jambeck của Đại học Georgia và tiến sĩ Kara Lavender Law thuộc Hội Giáo dục Biển (Sea Education Association) ở Woods Hole cũng báo động về số rác thải nhựa trôi ra đại dương đang tăng chóng mặt và đã vượt quá 8 triệu tấn. Điều quan tâm hơn là các thủy hải sản bán trên thị trường có chứa các mảnh polymer nhỏ trong ruột của chúng.

Tiến sĩ hải dương học Erik van Sebille thuộc Đại học Utrecht ở Hà Lan, người từng theo dõi tình hình rác thải nhựa xâm lấn đại dương trong nhiều năm đã lên tiếng cảnh báo: “Loài người sắp phải đối mặt với đợt sóng thần rác thải nhựa nên cần có giải pháp ngăn chặn ngay lập tức”. Kỹ nghệ xử lý rác thải toàn cầu hứa sẽ chung tay để vấn nạn rác thải nhựa không biến thành “thảm họa hạt nhân” của môi trường sống. “Muốn vậy, lời nói phải đi đôi với việc làm và làm sao để đến năm 2060, tỉ lệ rác thải nhựa được tái chế phải cao hơn tỉ lệ đổ ra bãi rác. Nếu không đạt được mục tiêu này, chúng ta coi như đã thua trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Tốc độ như hiện nay là quá chậm và manh mún” - Sebille nói.

Giáo sư sinh vật biển Richard Thompson thuộc Đại học Plymouth (Anh) bình luận: “Một sản phẩm plastic như chai lọ có thể tái chế được 20 lần. Nhưng vấn đề là chúng ta có đủ nhà máy tái chế không”. Tiến sĩ Geyser bổ sung: “Khả năng tái chế hiện nay mới được 600 triệu tấn trong 8,3 tỉ tấn chất thải nhựa là quá thấp”.

Theo The New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ