Khi thầy cô đi chẳng được, ở không xong...

Khi thầy cô đi chẳng được, ở không xong...

Tổng phụ trách Đội: Không tuyển dụng mà chọn cử từ giáo viên

Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông công lập được bố trí 1 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, chứ không tuyển dụng vị trí này.

Mới đây, UBND huyện Yên Thành, Nghệ An thông báo tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/12/2015 với 142 chỉ tiêu, gồm vị trí giáo viên các môn văn hóa, giáo viên Tiếng Anh, giáo viên Tin học và giáo viên Tổng phụ trách Đội. Với vị trí công tác đoàn đội, huyện Yên Thành yêu cầu phải có chứng chỉ đoàn đội và trình độ chuyên môn đại học, trong khi các vị trí khác chỉ tuyển dụng trình độ cao đẳng.

Liên quan đến nội dung này, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước được Bộ Nội vụ quy định tại Công văn 5378/BNV-CCVC ban hành ngày 5/11/2019.

Theo đó, đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách khi có đủ các điều kiện sau: Giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập. Đã có thời gian ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015. Trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Yêu cầu về trình độ đào tạo phải căn cứ vào quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên theo từng cấp học.

Riêng với việc tuyển dụng giáo viên Tổng phụ trách Đội, ông Đặng Văn Bình cho biết Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định rõ. Theo đó, cơ sở giáo dục bố trí một giáo viên làm Tổng phụ trách Đội chứ không nên tuyển dụng vị trí này ngay từ đầu.

Khi thầy cô đi chẳng được, ở không xong... ảnh 1
Với mức lương chưa đầy 2 triệu đồng/tháng, nhiều GV hợp đồng phải làm thêm nghề phụ để kiếm thu nhập. Ảnh: Hồ Lài

Cần tạo niềm tin cho giáo viên

Về câu chuyện chuyển vùng công tác của một số giáo viên huyện Mường Nhé, Điện Biên, ông Đặng Văn Bình khẳng định: Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức thuộc về địa phương. Việc giáo viên chuyển vùng là theo nguyện vọng cá nhân và được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, giáo viên phải đề xuất nguyện vọng trực tiếp với địa phương và địa phương có trách nhiệm giải thích để giáo viên hiểu rõ quyết định của mình.

Theo Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), dù là tuyển dụng đặc cách hay luân chuyển cũng phải căn cứ vào chủ trương, quy định và thực tiễn của từng địa phương để có phương án phù hợp. Riêng việc luân chuyển giáo viên là thẩm quyền của Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện, được thực hiện hàng năm. 

Theo quy định, thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng.

"Nên xem xét để tạo điều kiện hết sức cho đội ngũ giáo viên đã có đủ thời gian cống hiến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được trở về với gia đình. Có như vậy, giáo viên mới có động lực, niềm tin, sẵn sàng luân chuyển từ vùng thuận lợi đến nơi khó khăn để công tác" – đại biểu Hồ Thị Minh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ