Trong số đó, loài ong có nọc độc nhất phải kể đến chính là ong bắp cày khổng lồ Nhật Bản hay còn được mệnh danh là "ong tử thần". Loài ong này được coi là sát thủ nguy hiểm khi gây ra cái chết của hàng ngàn người Trung Quốc lẫn châu Âu.
"Sát thủ" đáng sợ
Trong tiếng Nhật, loài ong này có tên là osuzumebachi (nghĩa là "ong chim sẻ" vì kích thước của chúng rất lớn), còn tên khoa học là Vespa Mandarinia. Ong bắp cày Nhật Bản có đầu lớn màu vàng cùng đôi mắt to và ngực màu nâu sẫm, khoang bụng hai dải màu nâu và màu vàng xen kẽ. Kích thước của ong bắp cày khổng lồ Nhật Bản to bằng ngón tay cái, có trường hợp ghi nhận một con ong lớn tới 8 cm ở Nhật.
Loài ong này thường làm tổ ở trên cao như cây cối và chủ yếu tìm thấy ở vùng nông thôn ở các khu vực ôn đới và nhiệt đới Đông Á, nhất là Nhật Bản. Chúng sinh sản mạnh vào tháng 9 và tháng 10 khi nhiệt độ tăng cao. Tuy là ong nhưng chúng lại không lấy mật mà trái lại còn là nỗi khiếp sợ của những tổ ong mật. Chúng là loài ong ăn thịt và thường săn các loài ong khác, bọ ngựa hay các côn trùng to lớn.
Mỗi ngày, những sát thủ này bay tới 100 km với tốc độ 40 km/h để săn mồi. Nếu bị đe dọa, chúng sẽ trở nên vô cùng hung hăng, hiếu chiến. Càng chạy thì bầy ong càng muốn đuổi theo, có nạn nhân bị chúng bám riết tới 200 mét. Với tốc độ và sức mạnh cơ bắp cũng như nọc độc, chúng gần như là những sát thủ không có đối thủ.
Mỗi chuyến đi săn, chúng có thể tiêu diệt cả một tổ ong mật 30.000 con chỉ trong một giờ. Một ong khổng lồ duy nhất giết chết tới 40 con ong mật chỉ trong... 1 phút. Sau đó, thưởng thức bữa tiệc mà chúng có được rồi đem một phần thân của nạn nhân về tổ cho những con ong bắp cày con. Không chỉ các loài ong khác, trong điều kiện thức ăn thiếu thốn, chúng thậm chí còn sát hại cả những con bắp cày khác. Chính sự hung hăng, tàn bạo này mà chúng còn được mệnh danh là "ong diệt chủng" do ăn thịt cả... đồng loại. Sự tàn sát tận gốc của chúng là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng sinh thái.
Với vết chích dài tới 6,35 mm, trong nọc độc lại chứa Acetylcholine liều cao và một loại enzyme có thể hòa tan... thịt người. Khi bị đốt quá nhiều có thể dẫn tới các chứng sốc hoặc tê liệt chức năng thận của nạn nhân, đồng thời tấn công vào hệ thần kinh, làm tổn thương mô, làm nạn nhân đau đớn cùng cực. Nạn nhân sẽ chết nếu bị đốt quá nhiều mà không chữa trị kịp thời. Sau 2 giờ bị "tiêm" chất độc, xác suất để nạn nhân sống sót chỉ còn 2%. Do đó, bị một đàn ong bắp cày hung hăng tấn công vô cùng nguy hiểm vì bạn không có cơ hội chạy thoát. Đáng sợ hơn, trong nọc của chúng còn tiết ra mùi đặc trưng, chính mùi này làm thu hút đồng loại tới tấn công nạn nhân.
Diệt ong bắp cày bằng "chiến tranh sinh học"
Theo các chuyên gia, ong bắp cày vốn không có tập tính di cư, nhưng chính sự xâm phạm của con người khiến chúng trở nên hung hăng hơn bao giờ hết, nguồn thức ăn thu hẹp khiến chúng dần xâm chiếm các lãnh địa của loài ong khác. Từ đó mở rộng môi trường sống của mình. Trong một lô hàng gốm sứ xuất khẩu từ Trung Quốc, loài ong này đã tới với nước Pháp và nhanh chóng thích nghi với môi trường sống mới khi hoành hành một nửa đất nước này. Theo các chuyên gia, chúng "xơi tái" những con ong bản địa và đe dọa sự đa dạng sinh học.
“Đây là loài động vật có khả năng thích nghi cao và tồn tại ở khắp mọi nơi. Thức ăn của chúng là ong bắp cày, ruồi, bọ cánh cứng và nhiều loại côn trùng thụ phấn tự nhiên khác”, Franck Muller, chuyên gia nghiên cứu về ong bắp cày châu Á thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Paris, nói.
Cũng theo ông Muller, việc người dân tự làm bẫy bằng đường chẳng những không phát huy tác dụng đối với những con ong châu Á, mà còn giết chết loài ong bản địa. Một số chất độc hại đã giết hại từ 100 đến 1.000 con ong bản địa, ong bắp cày hay các loài côn trùng thụ phấn khác.
Trong quá trình tìm kiếm giải pháp triệt những con ong bắp cày châu Á, nhà sinh vật học Darrouzet cho biết, năm ngoái, IRBI đã phát hiện một loài ấu trùng có đặc tính hung hăng mang tên Conops Vesicularis. Chúng sống ký sinh trên bụng của ong chúa. Mỗi lần ong chúa ấp trứng, ấu trùng sẽ ăn ngấu nghiến loài ong.
Mặc dù các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu, song ông Darrouzet đặc biệt đánh giá cao về phương pháp “chiến tranh sinh học”. Ông đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm và cho rằng đây là lựa chọn chính xác 100% nhằm tiêu diệt loài ong bắp cày châu Á.
Đến nay, ong bắp cày đã “vượt biên” qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và Bỉ. Hồi tháng 4 năm nay, Anh đã liệt ong châu Á vào danh sách đen những sinh vật gây chết người. Cách đây ít ngày, nhà chức trách ở Gloucestershire, Anh, đã quyết định tiêu hủy tổ ong bắp cày to bằng quả bí ngô trên ngọn cây cao vì lo sợ chúng ảnh hưởng đến các đàn ong bản địa. Tuy nhiên, Nicola Spence, phó giám đốc Cơ quan Thực vật và Sức khỏe Loài ong nhận định, ong bắp cày khổng lồ châu Á không phải nguy cơ lớn đối với con người.
"Chúng tôi đã đoán trước sự xuất hiện của ong bắp cày khổng lồ châu Á trong vài năm qua và áp dụng biện pháp để tiêu diệt và kiểm soát sự lan rộng của chúng", Spence nói. "Chúng không đe dọa nhiều tới sức khỏe của con người. Nhưng chúng tôi biết rõ thiệt hại chúng có thể gây ra với những đàn ong mật. Đó là lý do chúng tôi hành động nhanh gọn, dứt khoát trong việc phát hiện và tiêu hủy mọi chiếc tổ". Các thanh tra từ Cơ quan Ong Quốc gia đang theo dõi khu vực và chưa phát hiện tổ ong nào khác từ khi loại bỏ chiếc tổ lớn này.