Tâm trạng cô đơn thường xuyên
Li kiếm được 15.000 Nhân dân tệ (tệ) mỗi tháng và chi tiêu hết 2/3 số tiền này. Cô không có bạn trai hay bạn thân ở Bắc Kinh, cho nên đa số chi tiêu là cho chính mình; từ thực phẩm, mỹ phẩm đến du lịch và giải trí. Vui, buồn cũng một mình, không có người chia sẻ. Thành phần độc thân như Li tại TQ hiện đã lên đến hơn 50 triệu người. Đa số có học vấn và đủ sức trang trải những chi phí thiết yếu của cuộc sống. Nhưng họ cũng tạo ra cơ hội cho “nền kinh tế ăn theo”.
Tháng 8.2018, app xã hội Maimai và trang web xiaozhu.com chuyên về cho thuê nơi ở ngắn hạn đã cùng thực hiện nghiên cứu về “nền kinh tế độc thân” trên 10.000 người độc thân sinh từ 1970-1990 để tìm hiểu những lý do sống độc thân và thói quen chi tiêu của họ. Báo cáo nghiên cứu cho thấy những người sống độc thân đã đổ rất nhiều thời gian và tiền bạc vào internet, từ game đến livestream. Liu Zhifeng, một nhân viên IT độc thân cho biết anh dành toàn bộ thời gian nghỉ cuối tuần chơi game di động King of Glory và đã bỏ ra hơn 8.000 tệ cho trò chơi này. Anh cũng là fan của game máy tính mới PlayerUnknown’s Battleground, xem nhiều livestream trên trang douyu.com và mất 3.000 tệ mua quà tặng ảo cho các livestreamer mình thích.
Khi được hỏi “người sống độc thân thường làm gì lúc ở một mình?, Liu trả lời ngay: “chơi game và truy cập internet”. “Nhưng tôi thích chơi game trên điện thoại hơn vì có thể chơi bất cứ nơi nào, thậm chí trong… toilet!” - anh nói. Sống một mình đã được 2 năm Liu cho biết cũng muốn tìm bạn gái nhưng lại sợ phiền toái khi xây dựng một mối quan hệ. “Thay vì tốn tiền cho bạn gái mà đôi khi còn bị trách móc, tôi mua quà tặng cho những người bạn ảo và luôn nhận được những nụ cười rất tươi. Họ mang lại cho bạn niềm vui và bạn không cảm thấy bị áp lực như kết bạn ngoài đời” - anh nói.
Trên 70% người được khảo sát không sống tại quê nhà của họ mà sống tại các thành phố lớn. 10% thường xuyên đi xa vì công việc. 62% thú nhận thỉnh thoảng lại cảm thấy cô đơn và 21% bị cô đơn tấn công hàng ngày. Năm lý do dẫn đến cảm giác cô đơn là: độc thân, nghèo, thiếu bạn bè, thất vọng với công việc và không được ở gần nơi mình sinh ra. Liu cho biết anh thường tiêu hết số tiền mình kiếm được, không có dư để dành nên khi thấy cô đơn thường tìm đến game, vừa để khuây khoả, vừa đỡ tốn kém.
Nghiên cứu của Maimai và xiaozhu.com cho thấy khoảng 57,7% người được hỏi dùng tiền để giết sự cô đơn; 70% bỏ ra từ 1.000 đến 5.000 tệ mỗi tháng cho game, quà tặng ảo livestreamer và các khoản giải trí khác trên internet. Nhiều người độc thân trở nên lười biếng, thích mua đồ ăn sẵn; nếu phải nấu nướng họ chỉ dùng lò vi sóng. Trên điện thoại của họ luôn cài đặt sẵn những ứng dụng mua thức ăn như Eleme và Meituan. “Sống một mình bạn không có sự hứng thú để nấu nướng. Tiện nhất là đặt bữa ăn bình thường vào những ngày đi làm và một bữa ăn thịnh soạn cho ngày cuối tuần” - Li nói. Trang web Meituan cho biết 65% người đăng ký sử dụng dịch vụ sống một mình.
Không chỉ có tại Trung Quốc
Một cuộc khảo sát mới đây tại Mỹ cho thấy giới trẻ Thế hệ Z (Generation Z) còn cảm thấy đơn độc hơn người già. Họ gặp nhiều nguy cơ cho sức khoẻ do cách sống cô lập với xã hội. Trong khi đối với nhiều người, sự cô đơn đến và đi như những ngọn sóng cao trên mặt biển, chỉ xuất hiện trong vài phút hay vài giờ rồi trở lại bình thường thì đối với không ít người trẻ Mỹ, sự cô đơn là “con sóng thường trực” tấn công hết ngày này qua ngày khác, gây ra lắm vấn đề cho sức khoẻ, cả thể chất lẫn tinh thần, đôi khi rất nghiêm trọng, thậm chí tự tử.
“Đơn độc kinh niên”, “Đơn độc từ trong máu” đã được tờ The New York Times xem là “thảm họa xã hội” trong một bài viết năm 2017. Một cuộc khảo sát mới do công ty bảo hiểm Mỹ Cigna thực hiện cho thấy trong giới trẻ Thế hệ Z sinh sau thế kỷ 20 có một số em còn đơn độc hơn cả người già sống trong viện dưỡng lão. Trong cuộc khảo sát được thực hiện trên 20.000 người Mỹ tuổi từ 18 trở lên, 48,3% người được hỏi thừa nhận “thỉnh thoảng” hoặc “thường xuyên” bị rơi vào tâm trạng cô đơn so với 38,6% người từ 72 tuổi trở lên. Thành phần từ 18-22 tuổi của Thế hệ Z là bị nặng nhất.
Nghiên cứu cũng phát hiện khác biệt lớn giữa nam và nữ về mức độ đơn độc, thường cao hơn ở nam. Một phần nguyên nhân khiến giới trẻ Thế hệ Z cảm thấy đơn độc là do thiếu kết nối với cuộc sống và con người ngoài đời thật, trong khi kết nối với không gian ảo lại chiếm rất nhiều thời gian. “Những người thường xuyên mặt đối mặt (face-to-face) với người khác ngoài đời ít rơi vào sự cô đơn so với những người ít tương tác. Tương tác mặt đối mặt đóng vai trò rất quan trọng. Những người bỏ nhiều thời gian cho gia đình và trò truyện với bạn bè sẽ ít cảm thấy đơn độc hơn. Sức khoẻ của họ cũng tốt hơn nhiều so với những người ít hoặc không mặt đối mặt với người khác và sống khép kín trong môi trường tù túng” - nghiên cứu kết luận.
Tình trạng giới trẻ cô đơn tại nước Anh phổ biến đến nỗi mới đây chính phủ Anh phải thành lập một cơ quan đặc biệt theo dõi hiện tượng này và tìm cách khắc phục sau khi một báo cáo phát hiện có hơn 9 triệu người Anh “thỉnh thoảng” hay “thường xuyên” sống trong tâm trạng cô độc.
Tại Canada tình hình cũng chẳng khá hơn. Tiến sĩ Andrew Wister, giám đốc trung tâm nghiên cứu tâm trạng tại Đại học Simon Fraser University ở tỉnh BC cho biết cứ 5 người thì có một người thường cảm thấy mình cô đơn hay bị cô lập với xã hội bên ngoài. Bác sĩ gia đình Robin Lennox hiện giảng dạy tại đại học McMaster University ở Hamilton thuộc tỉnh Ontario cho biết nhiều cuộc khảo sát phát hiện ra có từ 25-30% người Canada thuộc mọi thành phần tuổi tác từng trải qua tâm trạng đơn độc.
“Nguy cơ cho sức khoẻ từ việc sống cô đơn, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài có rất nhiều, kể cả chết sớm và tự sát. Sống cô đơn dẫn đến lo âu, trầm cảm, lạm dụng thuốc kích thích và ma tuý, ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ; việc kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu cũng khó khăn hơn” - ông nói.
Một báo cáo năm 2017 tại Canada cho thấy những người sống đơn độc hay ẩn dật tại một nơi xa nơi thị tứ cũng gặp nhiều nguy cơ cho sức khoẻ không thua gì những người sống trong các cộng đồng giới tính khác và nghèo khó.