Khi nào phụ nữ ngưng rơi nước mắt?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm nay, các đơn vị nghệ thuật 'chiêu đãi' phái đẹp cả hài kịch và chính kịch.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hài kịch có thể kể đến “Quan thanh tra” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Sắc màu” (Sân khấu kịch Idecaf), “Lộ hàng” (Sân khấu Thiên Đăng)… Chính kịch như: “Bến nước thời gian” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Bông cánh cò” (Sân khấu Kịch Hồng Vân), “Trả lại thia lia” (Sân khấu Kịch Thái Thanh), “Giáng Hương” (Sân khấu Thiên Đăng)…

Dù được thể hiện ở hình thức hài hay bi thì hình tượng phụ nữ Việt Nam khi chiếu rọi vào chiều sâu trên sân khấu vẫn vẹn nguyên dáng hình của những người mẹ, người vợ, người chị, người em thấm đẫm nước mắt.

Đó có thể là nước mắt tủi hờn khi là nạn nhân của lễ giáo phong kiến với không ít nỗi oan khiên thấu đất trời; là nước mắt chia ly của thân tằm vò võ canh cửi, tựa cửa chờ chồng, con xông pha nơi chiến trận, một mai không trở về, thậm chí còn trở thành nạn nhân của nỗi đau da cam, của những khát vọng xuân thì mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu, sẻ chia…

Rồi đến hôm nay, là những dòng nước mắt mặn mòi bởi sự mắc kẹt giữa truyền thống - hiện đại hoặc bị bóp nghẹt giữa dòng đời đầy ác hiểm… Và ở bất kỳ cảnh huống nào, những dòng nước mắt ấy không chỉ tuôn rơi trong nỗi xót xa, đau đớn vì thói đời đen bạc hay phận hẩm duyên ôi mà còn cả những ân hận nối dài khi được thức tỉnh…

Đó cũng là “chìa khóa” để lý giải vì sao gần như những tác phẩm sân khấu khắc họa sâu đậm về phụ nữ Việt Nam luôn có sức lay động mạnh mẽ và nhận được sự đồng cảm sâu sắc của khán giả.

Nhân vật rơi nước mắt trên sàn diễn thì khán giả cũng rưng rưng ở khán phòng, không chỉ vì cảm thương cho bao thân cò tảo tần vượt giông bão mà còn thấy dường như có mình ở đó.

Vậy nhưng, hình tượng ấy trên sân khấu phải chăng giờ đây trở thành lỗi thời, khi nam nữ bình quyền, thậm chí có không ít chị em còn xuất sắc khẳng định bản thân và có vị trí cao trong xã hội? Không hẳn thế.

Những câu chuyện về phụ nữ thời đã qua vẫn rất cần được tái hiện, vì ở đó còn biết bao tấm gương, bài học cho người đời nay. Nhưng quả là kịch mục của các đơn vị nghệ thuật chưa thực sự tròn đầy khi còn thiếu vở diễn đậm chất đời về những phụ nữ xuất sắc đi đến thành công và trên đôi mắt họ ánh nụ cười trong… nước mắt.

Cũng bởi sau mỗi thành công luôn là sự dấn thân, nhất là với phái nữ có khi còn phải trả cái giá đắt, thậm chí phải âm thầm gánh những nỗi đau riêng, trong đó có cả sự đánh đổi hạnh phúc của bản thân, gia đình…

Vậy nên, sẽ chẳng khi nào hình tượng phụ nữ trên sân khấu sẽ ngưng rơi nước mắt mà chỉ có thể cùng mong chờ từ nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo những câu chuyện mới xứng đáng với phái nữ hôm nay!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.