Trí tuệ, bản lĩnh và sức sống bất diệt của phụ nữ Việt

GD&TĐ - Từ thời đại các vua Hùng cho đến ngày nay, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện trí thông minh sáng tạo, dũng cảm.

Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống, mà còn là nét văn hóa đặc sắc tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ. Ảnh đêm trình diễn “Tinh hoa Áo dài Việt”.
Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống, mà còn là nét văn hóa đặc sắc tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ. Ảnh đêm trình diễn “Tinh hoa Áo dài Việt”.

Nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), khắp ba miền Bắc – Trung – Nam diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi tôn vinh phụ nữ. Ngày 20/10, xin điểm lại và ghi nhận những góc nhìn từ nghiên cứu lịch sử - văn hóa và mỹ học về phụ nữ Việt Nam.

Liệt nữ anh hùng

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Nam nhận định, trải qua bốn nghìn năm, người phụ nữ Việt được xây dựng và lưu truyền từ hình ảnh mẹ Âu Cơ đưa các con đi mở nước và dạy dân dựng làng. Bà mẹ Gióng kiên trì nuôi đứa con “chậm lớn, chậm đi” và giúp con lên đường đánh giặc.

Nguồn tư liệu khảo cổ học cũng bảo tồn những hình tượng thật của người phụ nữ trên hình ảnh trống đồng. Tấm gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu và những phụ nữ tài giỏi, dũng cảm khác của thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần… vẫn còn ghi rõ trong cả chính sử và huyền thoại hóa trong dã sử.

Cùng với sự phản ánh về lịch sử dân tộc, mọi nguồn tư liệu cho thấy ở các lĩnh vực khác nhau, phụ nữ là những người đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng. Vai trò của phụ nữ luôn tỏa sáng khi mà lịch sử dân tộc đã phải dành đến 1/3 thời gian cho 24 cuộc chiến tranh ngoại xâm: “Trên đất nước nghìn năm chảy máu/ Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”.

Khi có chiến tranh, phụ nữ là những người chịu hậu quả nặng nề nhất. Thế kỷ 13, giặc Nguyên Mông tràn vào Thăng Long “làm cỏ nhân dân kinh thành”. Giặc Minh khi vào Đông Đô đã cướp bắt đàn bà con gái, mổ bụng người có thai, giết cả mẹ lẫn con, cắt tai đem nộp cho chủ tướng.

Tướng giặc Trương Phụ bắt phụ nữ đưa về nước làm tôi đòi, tì thiếp. Chúng buộc phụ nữ Việt phải bím tóc, mặc áo ngắn quần dài, theo phong tục phương Bắc. Ở thế kỷ 18, giặc Mãn Thanh trói phụ nữ vào cột giữa chợ xử tử với cái cớ cho chồng con theo quân Tây Sơn.

Mở đầu truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” – 2 nữ anh hùng Trưng Trắc - Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ dân tộc. Cùng với đó là 36 nữ tướng cùng đứng lên với Hai Bà Trưng gánh vác sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Các nữ tướng như Lê Chân, Thiều Hoa, Thánh Thiên… được các địa phương thờ phụng tôn thần.

Bằng những cách đánh giặc muôn hình muôn vẻ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam không ngừng chống giặc. Bà hàng nước thành Cổ Lộng làm nội ứng cho nghĩa quân Lê Lợi hạ thành. Những phụ nữ ven sông Bạch Đằng đem hết thóc gạo trong nhà góp lương ăn cho quân sĩ.

Trong phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ 18, Đô đốc Bùi Thị Xuân - một tướng lĩnh trụ cột của vua Quang Trung đã chỉ huy một đạo quân riêng nhiều phen làm quân thù thất bại thảm hại, nhất là ở trận Trấn Ninh nổi tiếng.

Thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phụ nữ Việt Nam đã cùng với dân tộc phát huy truyền thống đánh giặc cứu nước. Những cô gái Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Lam Hạ (Hà Nam) đã trở thành những bông hoa thép bất tử và bất diệt trong lòng dân tộc cũng như lịch sử vẻ vang của đất nước.

Trong bốn nghìn năm lịch sử, thời nào cũng có những liệt nữ anh hùng. Ảnh minh họa khởi nghĩa Hai Bà Trưng - IT.

Trong bốn nghìn năm lịch sử, thời nào cũng có những liệt nữ anh hùng. Ảnh minh họa khởi nghĩa Hai Bà Trưng - IT.

Cần quan niệm đúng về cái đẹp

Nằm trong chương trình kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), mới đây đêm trình diễn “Tinh hoa Áo dài Việt” đã diễn ra nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống, văn hóa. Đồng thời, quảng bá hình ảnh áo dài - văn hóa con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng ra với thế giới.

Theo Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng, trách nhiệm của các bà mẹ Việt Nam nuôi dạy con cái từ tuổi bé thơ đến lúc trưởng thành - đã được xã hội từ xưa đánh giá “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Bởi vậy, vai trò của người phụ nữ vô cùng quan trọng trong mỗi gia đình cũng như với cộng đồng.

Trong xã hội hiện đại, vẻ đẹp, chiều cao, cân nặng hay quan niệm có đổi thay nhưng vai trò của người phụ nữ tuyệt đối không thay đổi. Người phụ nữ ngày nay còn phải gánh vác nhiều công việc hơn xưa, họ không chỉ “xây tổ ấm”, mà còn cùng người đàn ông của mình trong việc “xây nhà”.

Theo ông Hùng, dữ liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy, phụ nữ Việt Nam đang đẹp hơn, thông minh hơn, độc lập hơn nhưng vẫn gặp nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Chỉ số BMI dùng để đo tỉ lệ cân nặng trên chiều cao, tuy còn nhiều tranh cãi nhưng BMI được xem là một trong những chuẩn mực đánh giá về độ cân đối của con người.

Năm 1975, phụ nữ Việt Nam còn nằm sâu ở mức thấp còi với chỉ số BMI = 17,96 - thấp hơn rất nhiều so với chuẩn thấp còi 18,5 của WHO. Năm 2014, chỉ số này đã là 21,13 - con số này nằm gọn gàng trong mức chuẩn của WHO.

Ở nhiều cuộc thi người đẹp thế giới, phụ nữ Việt luôn tỏa sáng từ vẻ đẹp hình thể cho tới tâm hồn và trí tuệ. Đặc biệt, nhiều phụ nữ Việt Nam có sức ảnh hưởng đối với thế giới trong các lĩnh vực: Nghệ thuật, thể thao, giáo dục, hoạt động xã hội.

Phụ nữ hiện đại ngày càng đẹp và thông minh hơn. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề liên quan đến nhận thức về cái đẹp khiến họ xấu đi. “Đầu tiên là văn hóa ăn mặc, hiện nay một bộ phận có quan niệm sai.

Ra đường chúng ta không khó để bắt gặp cô gái ăn mặc quá hở hang, cũn cỡn, xuyên thấu. Nhiều người cổ súy trang phục trễ nải, phô bày da thịt quá đà. Đây là sự thô tục chứ không phải đẹp”, TS Thế Hùng nhận định.

Trong những năm qua, có nhiều buổi lễ, cuộc thi hay sự kiện tôn vinh tà áo dài truyền thống. Đó chính là văn hóa, là vẻ đẹp thuần khiết mà đôi khi – chính phụ nữ Việt cũng không nhận ra hết các giá trị trong đó.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho biết: Từ năm 2019 đến nay, “Tuần lễ Áo dài” được tổ chức định kỳ hằng năm để tôn vinh áo dài với nhiều hoạt động như đồng diễn, trình diễn, thi duyên dáng... để chính người phụ nữ nhận ra vẻ đẹp duyên dáng truyền thống đầy tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.