Khi nào phụ huynh cho phép con ngủ ở nhà bạn?

GD&TĐ - Các chuyên gia đã chia sẻ một số mẹo, giúp trẻ có thể cảm thấy thích thú trong lần ngủ xa nhà đầu tiên.

Nếu biết con mình đang hẹn hò với ai đó và muốn xin phép ngủ lại qua đêm cùng một nhóm bạn, cha mẹ hãy đảm bảo rằng, trẻ có sự giám hộ của người lớn. Ảnh: ITN.
Nếu biết con mình đang hẹn hò với ai đó và muốn xin phép ngủ lại qua đêm cùng một nhóm bạn, cha mẹ hãy đảm bảo rằng, trẻ có sự giám hộ của người lớn. Ảnh: ITN.

Điều quan trọng là cha mẹ biết được khi nào con mình đã sẵn sàng ngủ qua đêm xa nhà và có thể giúp quá trình thay đổi đó dễ dàng hơn nếu trẻ vẫn có phần lo lắng.

Nói về những điều đáng mong đợi

Sau hai lần ngủ lại nhà bạn không thành công, Ava Kramer (9 tuổi) đã xin phép và được phụ huynh đồng ý.

“Chồng và tôi đã gọi FaceTime với Ava ngay trước khi con bé chuẩn bị đi ngủ. Điều đó đã làm giảm bớt nỗi lo lắng của con bé khi phải xa chúng tôi. Cuối cùng, con bé đã có một khoảng thời gian tuyệt vời”, mẹ của bé, Alicia, ở Atlanta cho biết.

Mặc dù có thể không có độ tuổi cụ thể nào phù hợp đối với việc cho phép trẻ ngủ lại nhà bạn, nhưng đây là một bước tiến lớn đối với tất cả trẻ em. Đây đồng thời là một phần phổ biến của quá trình xã hội hóa khi trẻ lớn lên.

“Nếu trẻ thích ngủ lại, rất có thể chúng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi xa cha mẹ”, Fran Walfish, Tiến sĩ Tâm lý học, tác giả sách “Cha mẹ tự nhận thức”, lưu ý.

Cảm giác lo lắng thường bắt nguồn từ những điều chưa biết. Trẻ thường háo hức, xin phép cha mẹ để được ngủ ở nhà bạn. Song, các bé vẫn có thể lo lắng và tự hỏi một số câu như: Liệu có được gọi cho cha mẹ trước khi đi ngủ không, hoặc liệu mang theo con thú nhồi bông yêu thích có khiến bé trông quá trẻ con không.

Thậm chí, phụ huynh cũng có thể có một số lo lắng tương tự. Vì vậy, trước khi chấp nhận cho phép trẻ ngủ xa nhà, cha mẹ hãy tìm hiểu xem buổi ngủ qua đêm đó sẽ diễn ra như thế nào và nêu ra mối quan tâm của mình.

Tuy nhiên, phụ huynh cũng hãy cố gắng hạn chế yêu cầu khi trẻ xin phép ngủ xa nhà một hôm. Ví dụ, không nhất thiết phải đảm bảo rằng, trẻ vẫn uống vitamin vào buổi sáng khi không ngủ ở nhà.

Điều quan trọng là cần chia sẻ với gia đình chủ nhà biết về nỗi sợ hãi (ví dụ như nếu trẻ mang theo đèn pin vì sợ bóng tối), dị ứng và bất kỳ lời nhắc nhở nào mà bé có thể cần (như sử dụng phòng tắm trước khi đi ngủ). Nếu có một thói quen ở nhà giúp trẻ dễ ngủ hơn, chẳng hạn như đọc truyện hoặc tham gia trò chơi, thì điều đó cũng đáng để phụ huynh đề cập đến.

Một điều khác mà phụ huynh cần thảo luận với trẻ là cách sẽ nói lời chúc ngủ ngon với cha mẹ.

“Một số trẻ có thể thích cha mẹ nhắn vài dòng chúc ngủ ngon, thay vì gọi điện. Tuy nhiên, những trẻ nhạy cảm hoặc hay bám dính hơn có thể thích cha mẹ gọi điện thoại hoặc thậm chí là trò chuyện video”, Tiến sĩ Walfish cho biết.

Cuối cùng, cha mẹ hãy đưa ra kế hoạch hành động nếu con muốn về nhà ngay trong đêm. Trước khi đồng ý để trẻ ngủ xa nhà, cha mẹ có thể thảo luận trước với con về những tình huống cảm xúc đó.

cach ung xu khi con xin ngu o nha ban2.jpg
Trong trường hợp trẻ lớn xin phép ngủ lại nhà bạn, cha mẹ cần có cuộc trò chuyện thẳng thắn với con. Ảnh: ITN.

Đề nghị tổ chức tiệc ngủ cho con

Trước khi phụ huynh đồng ý cho con ngủ qua đêm tại nhà bạn, hãy để trẻ thử bằng cách mời bạn của chúng đến nhà.

“Bằng cách đó, phụ huynh sẽ biết liệu con mình có thích ở qua đêm bên các bạn, hay bắt đầu cãi vã sau một vài tiếng. Đó là một dấu hiệu cho thấy, trẻ có thể cần rèn luyện thêm các kỹ năng xã hội trước khi ngủ qua đêm tại nhà của một gia đình khác”, Tiến sĩ Walfish chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, trẻ có thể yêu cầu mời hai hoặc ba người bạn. Song, tốt hơn là chỉ nên bắt đầu với một người bạn để giảm thiểu xung đột. Nếu có thể, hãy để trẻ có thời gian riêng với bạn của chúng. Trong khi đó, hãy để anh chị em của trẻ tham gia các hoạt động khác.

Chuẩn bị cho cuộc gọi điện thoại về nhà

Ngay cả khi đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, có khả năng là trẻ vẫn muốn về nhà khi ngủ qua đêm ở nhà bạn. Nếu trẻ muốn về nhà vì một lý do không thể giải quyết được (“Con nhớ mẹ và con không ngủ được” hoặc “Con chó của họ sủa và làm con sợ!”), tốt nhất là phụ huynh nên đón con về, thay vì cố gắng thuyết phục bé ở lại.

“Làm như vậy sẽ tạo dựng được lòng tin rằng, cha mẹ sẽ đến đón con nếu bé cần. Ngày hôm sau, phụ huynh có thể nói về cảm giác của con và điều gì có thể giúp trẻ cảm thấy tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, việc suy nghĩ quá nhiều hoặc phân tích quá mức sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy như mình đã thất bại”, Tiến sĩ Walfish giải thích.

Song, phụ huynh cũng không nên cảm thấy mình là một người quá cứng nhắc khi từ chối để trẻ ngủ lại nhà bạn bè.

Phụ huynh Catia Dias, đến từ Ontario, Canada, cho biết: “Chúng tôi không thoải mái khi để con mình ngủ lại nhà bạn bè. Tôi luôn nói rõ rằng, đó chỉ là quy tắc gia đình”. Ngay cả khi phụ huynh đồng ý cho con ngủ qua đêm ở nhà người khác trong tương lai, thì việc bỏ qua một buổi là điều nên làm, nếu cha mẹ nghĩ con chưa sẵn sàng.

Tiến sĩ Walfish nói: “Tốt hơn là trẻ em có trải nghiệm đầu tiên tích cực, thay vì mạo hiểm với một sự cố đáng xấu hổ hoặc khó chịu. Điều đó có thể khiến trẻ hoàn toàn mất hứng thú”.

Thực tế, các buổi ngủ qua đêm xa nhà của trẻ có thể là những sự kiện gây chia rẽ phụ huynh và con. Chúng cũng có thể gây ra bất đồng giữa cha mẹ và phụ huynh của bạn con. Trẻ em thích thú khi thức khuya để xem phim hoặc chơi trò chơi điện tử với những người bạn thân nhất của mình. Trái lại, cha mẹ có thể than thở về tiếng ồn và sự bừa bộn mà trẻ tạo ra.

cach ung xu khi con xin ngu o nha ban3.jpg
Phụ huynh cũng không nên cảm thấy mình là một người quá cứng nhắc khi từ chối để trẻ ngủ lại nhà bạn bè. Ảnh: ITN.

Đặt ra ranh giới

Khi trẻ lớn hơn, phụ huynh cần xem xét lại các quy tắc một cách kỹ lưỡng. Trong trường hợp trẻ lớn xin phép ngủ lại nhà bạn, cha mẹ cần có cuộc trò chuyện thẳng thắn với con. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, không nên hạn chế nếu trẻ có những nhóm bạn rất thân thiết bao gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thiết lập những kỳ vọng mà mọi người đều biết.

Kim Cavill, một nhà giáo dục về giới tính và là người dẫn chương trình podcast thân thiện với trẻ em có tên “Six Minute Sex Ed”, gợi ý, phụ huynh nên trò chuyện với những câu hỏi mở về kỳ vọng của gia đình về hành vi và giá trị.

Cha mẹ có thể hỏi: “Con nghĩ mình được hưởng những quyền riêng tư nào khi ngủ qua đêm cùng các bạn?”. Đây là một cách tốt để trẻ tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên tham gia vào cuộc trò chuyện về các quy tắc, giúp tăng khả năng hợp tác và giảm tính phòng thủ của trẻ.

Chuyên gia Cavill gợi ý, các cuộc đàm phán về quy tắc cụ thể có thể diễn ra sau khi mọi người có cơ hội chia sẻ kỳ vọng của riêng mình.

Một yếu tố quan trọng khác là giữ cho các buổi ngủ qua đêm vui vẻ và an toàn. Bà Hannah Parke - Giám đốc trại hè dành cho nữ sinh YWCA Vermont Camp Hochelaga cho biết: “Việc đưa ra các hướng dẫn hoặc chính sách chung của hộ gia đình giúp tập trung vào sự an toàn. Đồng thời, cần tập trung vào lý do: Tại sao trẻ muốn ngủ qua đêm với nhau: Để xây dựng tình bạn và vui chơi”.

Phụ huynh cần trao đổi với thanh thiếu niên rằng, tình bạn có thể phát triển bền chặt, nhưng các mối quan hệ cần phải duy trì sự trong sáng. Trọng tâm vẫn là nuôi dưỡng sự tôn trọng đối với không gian và cơ thể của nhau.

Việc đặt ra ranh giới luôn là điều bắt buộc, đặc biệt là trong các buổi ngủ qua đêm của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, việc có những cuộc trò chuyện cởi mở và bao gồm về giới tính cũng quan trọng không kém. Những cuộc trò chuyện này cần diễn ra sớm và thường xuyên.

Nếu biết con mình đang hẹn hò với ai đó và muốn xin phép ngủ lại qua đêm cùng một nhóm bạn, cha mẹ hãy đảm bảo rằng, trẻ có sự giám hộ của người lớn. Các giá trị và kỳ vọng của gia đình là do phụ huynh tạo ra. Tuy nhiên, một kênh giao tiếp cởi mở giữa tất cả các bên sẽ giúp mọi người cùng chung quan điểm và cuối cùng là mang lại sự an toàn hơn.

Có lẽ quy tắc mà phụ huynh cần đặt ra đối với độ tuổi trẻ vị thành niên khi ngủ qua đêm với nhóm bạn là không được chạm vào cơ thể nhau, bất kể giới tính hay mục đích. Trong trường hợp trẻ có cảm tình với một người bạn trong nhóm, cha mẹ hãy nói với con rằng: Việc bị thu hút bởi người khác là bình thường, nhưng không được phép hành động thiếu suy nghĩ.

Trong bối cảnh trẻ tham gia trại hè, bà Hannah Parke cũng nhắc nhở nhân viên, phụ huynh và người giám hộ của trẻ về điều này. “Tùy thuộc vào độ tuổi, việc quan tâm đến người khác một cách lãng mạn là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, tại trại hè, trẻ ở đây để xây dựng tình bạn thực sự bền chặt, để cảm thấy mạnh mẽ trong sự tự tin và bản sắc của chính mình, cũng như để có khoảng thời gian tuyệt vời”.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.