Cũng vì thiếu hiểu biết mà có nhiều bậc cha mẹ trong thời gian qua đã đưa con mình đi cắt bao quy đầu ở những cơ sở y tế không an toàn. Hậu quả nhiều trẻ bị nhiễm trùng và mắc bệnh ngoài da.
ThS - BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học (BV Bình Dân) giải thích, bao quy đầu là một lớp da mỏng bao bọc toàn bộ phía ngoài quy đầu dương vật.Thông thường khi trẻ mới sinh ra, quy đầu dương vật thường được lớp bao da quy đầu bọc kín, chỉ để hở một lỗ nhỏ giúp lưu thông nước tiểu ra ngoài. Người ta gọi đây là hiện tượng hẹp bao quy đầu sinh lý, hiện tượng tự nhiên hoàn toàn bình thường và không có gì đáng lo ngại. Hẹp bao quy đầu sinh lý thường gặp ở trẻ em tuổi vị thành niên nên không cần thiết phải can thiệp sớm. Bao quy đầu có chức năng bảo vệ quy đầu dương vật, tránh trường hợp quy đầu bị tổn thương do va chạm, cọ sát với quần áo… Mặt khác, đối với trẻ nhỏ, chưa thể tự bảo vệ được “của quý” trước những tác động từ môi trường bên ngoài thì bao quy đầu có vai trò bảo vệ cực kì quan trọng. Nếu cắt nong quá sớm lại có tác dụng ngược.
Theo BS Dũng, khi trẻ lớn dần lên, thường là sau 7 tuổi, lớp bao quy đầu bao bọc phía ngoài dương vật dần dần tuột xuống, để lộ ra quy đầu dương vật. Một số trường hợp bao quy đầu dính chặt ở quy đầu và không thể tuột xuống, trường hợp này được gọi là hẹp bao quy đầu bệnh lý. Khi bị hẹp bao quy đầu bệnh lý, nhất là khi đã đến tuổi thành niên thì cần có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa tư vấn có thể nong cắt hay không?
Cũng vì chưa lộ ra ngoài nên quy đầu của trẻ em thường có các mảng bám giống như bã đậu, mà nguyên nhân là do ứ đọng nước tiểu sau khi vệ sinh. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường chỉ cần vệ sinh sạch sẽ hằng ngày là được. Tuy nhiên tại một số phòng khám tư nhân, để lôi kéo khách hàng, các thầy thuốc thường đưa ra những lời khuyên cần xử lý ngay để tránh viêm nhiễm.
Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hà - ngụ đường Thiên Hộ Dương, P.1, Q. Bình Thạnh (TPHCM) khi mang con đến điều trị chứng hẹp bao quy đầu tại một Phòng khám đa khoa ở phường Đa Kao, Q.1. “Con trai tôi mắc chứng hẹp bao quy đầu từ hồi mới vào tiểu học đến nay đã 12 tuổi cũng vẫn thế. Tìm thông tin trên mạng, tôi biết được địa chỉ phòng khám này nên đưa cháu đến đây. Nghe BS tư vấn nếu để lâu sẽ bị viêm nhiễm, ung thư và cả vô sinh nên tôi cũng lo. Hơn nữa, nghe nói chỉ sau vài ngày điều trị là lành hẳn nên tôi cũng yên tâm. Tuy nhiên, sau khi cắt, cháu vẫn đau và có nước dịch chảy ra ngay bộ phận sinh dục”. Theo lời kể của chị Hà, sau khi đọc báo biết thông tin hàng chục trẻ bị bệnh sùi mào gà do cắt “bao” ở Hưng Yên, vợ chồng chị bị một phen hú vía. Cũng may sau hai tuần thay băng và uống thuốc, cháu đã khỏe hẳn.
Được biết, trước đó gia đình chồng chị có đứa cháu trai 14 tuổi cũng bị chứng hẹp “bao” đã vào điều trị tốt ở BV Nhi đồng 2. Tuy nhiên do chị bận công việc của công ty, chồng đi làm xa, con lại đang học hè ở Trung tâm Anh ngữ nên chị tìm cách chữa trị cho nhanh theo lời khuyên của thầy thuốc ở phòng khám đa khoa này, chứ không có thời gian vào BV Nhi đồng 2 như đứa cháu của chồng chị, vì như lời chị nói: “Sợ mất thời gian chờ đợi, vả lại đi lại cũng xa xôi”.
Hiện nay không chỉ phụ huynh, mà một số thanh niên vẫn chưa có nhiều kiến thức về tình trạng hẹp bao quy đầu. Ngại vào BV uy tín vì đông người, phải chờ xếp hàng và lo gặp người quen nên hầu hết đều tìm đến các phòng khám đa khoa, thậm chí cả cơ sở y tế tư nhân không có giấy phép để điều trị cho nhanh và kín đáo, dù tốn kém rất nhiều. Đây chính là hệ lụy gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục sau đó, do có những chỉ định vượt ngưỡng, sử dụng không đúng thuốc điều trị, chiếu tia hồng ngoại và chạy tia sóng ngắn không cần thiết. “Có cơ sở y tế đã tìm mọi cách điều trị hòng cứu vãn tình thế viêm nhiễm, sùi mào gà cơ quan sinh dục nam nên để lại hậu quả nặng nề vì có thể ‘nướng chín’ tinh hoàn, giết hại tinh trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản trong đó có vô sinh. Vì thế cần cân nhắc trước khi cắt”, PGS-TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc BV Da liễu Trung ương cảnh báo.
“Nên cắt bao quy đầu khi thấy thật sự cần thiết và có sự tư vấn kỹ càng của BS và đến những cơ sơ y tế có uy tín, không nên nghe theo lời quảng cáo quá mức hoặc truyền miệng thiếu khoa học của người khác” - BS Mai Bá Tiến Dũng khuyên.