Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.
Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Tuy nhiên, nếu công tác chuẩn bị tốt, chúng ta có thể giảm thiểu mức độ tàn phá của bão.

Điều kiện tự nhiên

Theo Cơ quan Thời tiết Hoa Kỳ, khoảng 14 cơn bão nhiệt đới hình thành trên Đại Tây Dương, Biển Caribe và Vịnh Mexico mỗi năm. 7 trong số này sẽ chuyển thành “siêu bão”. Tuy nhiên, số khác, ví dụ như cơn bão Milton gần đây, dự kiến đổ bộ vào bờ biển bang Florida nhưng chuyển hướng đi vào đất liền, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Một áp thấp nhiệt đới cần nhiều điều kiện để phát triển thành bão, cụ thể là vùng nước ấm ít nhất 27 độ C. Sau đó, nó mạnh lên và bắt đầu quay do hiệu ứng Coriolis – xảy ra do Trái đất tự quay quanh trục. Tốc độ xoay của những cơn bão này quyết định cấp của chúng và sức ảnh hưởng.

TS Carmen Solana - chuyên gia về thảm họa thiên nhiên tại Đại học Portsmouth, cho biết tốc độ gió “rất quan trọng” nếu xét về mức độ tàn phá. Gió mạnh thường gây ra thiệt hại lớn cho các tòa nhà và công trình kiến trúc, đồng thời có thể cuốn theo các mảnh vỡ, tôn và tăng sức phá hủy.

Bão mạnh còn cắt đứt liên hệ giữa con người và những nguồn lực quan trọng thiết yếu khác. Các công trình có khả năng chịu được gió mạnh và chống bão có thể tạo ra khác biệt lớn, do đó, các quốc gia có quy định chặt chẽ về xây dựng có thể giảm bớt mức độ thiệt hại.

Nước dâng cao và mưa lớn, dẫn đến lũ lụt và lở đất, cũng có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng. TS Helen Hooker - nhà khí tượng học tại Đại học Reading (Anh) cho biết: “Cách thiết kế, xây dựng và phát triển các thành phố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thoát nước của thành phố”.

Các khu vực thành phố lớn có thể xảy ra lũ quét trong khi các vùng miền núi sẽ gặp lở đất. Những dòng chảy mạnh có thể cuốn theo nhiều mảnh vỡ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn. Một số nơi, gọi là thành phố bọt biển, được xây dựng tập trung vào không gian xanh có khả năng hấp thụ nước và giảm tác động của lượng mưa lớn.

Ban đầu, Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ cảnh báo bão Milton có thể gây ra đợt nước dâng kỷ lục cao 3 – 4,5m cũng như lượng mưa cục bộ lên tới 46cm. Cơn bão Milton xuất hiện chỉ 2 tuần sau bão Helene mang đến trận lũ lịch sử và nước dâng cao hơn 4,5m khi quét qua vùng Đông Nam nước Mỹ.

Các khu vực trên đường đi của Helene đã phải trải qua trận mưa lớn trước khi bão đổ bộ nên mặt đất đã bão hòa. Điều này khiến lũ lụt dễ dàng xảy ra hơn vì mặt đất không thể hấp thụ thêm nước.

Bão Helene có diện rộng và các đám mây mưa và gió quy mô lớn khiến cho ngay cả những thành phố như Miami, cách xa hàng trăm km, cũng phải hứng chịu đợt gió giật mạnh hơn 110 km/giờ. Trong khi đó, cơn bão đổ bộ vào Big Bend, bang Florida. Điều này đồng nghĩa, tại bất cứ địa điểm nào trên đường đi của bão Helene cũng cần nhiều thời gian để mưa lớn qua đi.

khi-nao-bao-thanh-tham-hoa-2.jpg
Bão gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa và tài sản.

Khả năng ứng phó

Dù Mỹ đã hứng chịu nhiều cơn bão mạnh trong quá khứ nhưng nước này có khả năng phục hồi sau thảm họa hiệu quả hơn so với các quốc gia kém phát triển hơn. Nguyên nhân nằm ở một số yếu tố như vị trí địa lý, nhà ở, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực tài chính. Một số khu vực bị tàn phá có sẵn nguồn lực để tái xây dựng.

Chuẩn bị phương án ứng phó tạo nên sự khác biệt đáng kể khi những cơn bão này đổ bộ vào đất liền và giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại các cộng đồng bị ảnh hưởng. Khi bão Milton chuẩn bị đổ bộ vào bang Florida, Mỹ đã nỗ lực sơ tán người và của, một trong những hoạt động sơ tán lớn nhất trong lịch sử, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn so với những khu vực ít dân cư.

Các cơ quan như Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Hoa Kỳ (FEMA) đã chuẩn bị tốt cho những thảm họa thiên tai như vậy. Chính quyền địa phương có thể xây dựng hầm trú ẩn và cung cấp hỗ trợ, nguồn lực cần thiết cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh công tác chuẩn bị của chính phủ, chính quyền địa phương thì ý thức của người dân cũng rất quan trọng. Nếu người dân có niềm tin mạnh mẽ vào chính quyền, họ sẽ tuân thủ các quy định sơ tán khẩn cấp, cảnh báo sớm. Ngược lại, họ có thể làm theo bản năng. Ở những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, người dân sẽ có phần chủ quan hơn. Họ có thể cảm thấy “an toàn giả” do trước đây họ đã bị ảnh hưởng.

TS Hooker lưu ý thêm, tại các nước đang phát triển, chính phủ cần nhanh chóng xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm. Việc thiếu chuẩn bị, nguồn lực của chính phủ có thể dẫn đến hậu quả tàn khốc.

Dù bão có tốc độ gió mạnh, song phần lớn trường hợp tử vong là do những mối nguy hiểm liên quan đến nước như nước dâng, lũ lụt, sạt lở, chiếm gần 90% số người tử vong do bão. Đặc biệt ở những vùng ven biển như Florida, nước dâng do bão (storm surge) có thể là một trong những hiện tượng nguy hiểm nhất của một cơn bão.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh cụ thể và nguồn gốc tên gọi của Oreshnik vẫn còn là điều bí ẩn.

Điều ông Putin không biết về Oreshnik

GD&TĐ - Dù Oreshnik của Nga đã được biết đến trong cuộc tấn công cơ sở quân sự Ukraine hồi tháng trước nhưng đến nay, nguồn gốc tên gọi vẫn là bí ẩn.

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.