Đó là chủ một nhà hàng ở huyện miền núi này đưa lên mạng xã hội chuyện “tiếp khách và ký sổ” của lãnh đạo huyện với số tiền 44 triệu đồng.
Theo đó, từ năm 2011 đến 2015, Văn phòng UBND huyện Tương Dương đã nhiều lần tiếp khách tại nhà hàng này và ký nợ lên đến 162 triệu đồng. Sau nhiều năm “kiên trì đòi nợ”, con nợ mới trả 118 triệu đồng, còn nợ 44 triệu đồng.
Lãnh đạo huyện này cũng xác nhận số nợ trên là có thật và hứa sẽ chỉ đạo cho Văn phòng UBND huyện thanh toán. Tuy nhiên, nhiều năm qua, huyện chưa có “nguồn” để trả nợ (?). Sở dĩ chủ quán ăn phải đòi rốt ráo số tiền trên là vì nghe tin đến ngày 1/7 năm nay, đơn vị hành chính cấp huyện sẽ giải tán nên không biết đòi ai!
Huyện tiếp khách và ký sổ nợ là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ là cũ cả. Tương Dương cũng không phải là địa phương duy nhất trên cả nước phải “ký sổ” sau những lần tiếp khách. Ở đồng bằng thì còn ít chứ các huyện vùng cao và hải đảo, chuyện tiếp khách gần như ngày nào cũng có.
Khi thì lãnh đạo tỉnh về làm việc, lúc thì cán bộ thanh tra đi xác minh một vụ việc nào đó đang bị kiện, cũng có những lúc, khách là các nhà báo “công tác dài ngày”… Tất cả những ai (trừ người dân) đến làm việc với huyện vùng cao, hải đảo đều được coi là khách và huyện “mời cơm”.
Tiếp một ông khách nhưng trong mâm ăn là đầy đủ các khuôn mặt của “chủ nhà”. Khách một nhưng có khi chủ nhà đến… 10! Ở hòn đảo nọ, có anh cán bộ văn phòng huyện phải xin chuyển chỗ khác vì ngày nào anh cũng phải tiếp khách đến mụ cả người! Uống ít thì sợ khách nói huyện “chơi không đẹp” mà để khách vừa lòng thì chủ nhà cũng quắc cần câu. Ngày nào cũng say như thế, chỉ có gỗ đá mới chịu nổi chớ người thì nát thận, hư gan thôi.
Có huyện nợ dai dẳng suốt 10 năm như Tương Dương mà “không có nguồn để trả” nhưng cũng có những huyện, họ vận dụng việc trả nợ rất “linh hoạt” nên chuyện nợ các quán là rất hiếm khi để lâu. Đó là những địa phương có nhiều công trình thủy điện hoặc các công trình cầu đường đang triển khai.
Các chủ đầu tư mỗi khi làm việc với huyện thì hay “mời cơm”. Thường thì những bữa cơm “khách mời chủ nhà” như thế họ sẽ “gánh” luôn số nợ mà “chủ nhà tiếp khách” trước đó. Còn những địa phương mà công trình ít, nhà đầu tư thưa vắng thì chuyện ký sổ sau khi tiếp khách là điều khó tránh khỏi.
Chừng nào chuyện tiếp khách không sử dụng ngân sách mà phải tự bỏ tiền túi ra thì khi ấy mới hết ký nợ. Và cũng không một lãnh đạo nào lấy lương của mình ra để ngày nào cũng “tiếp khách” cả. Chứ tiếp khách như Văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai từ năm 2013 đến 2016 hết 4 tỷ đồng thì không biết lấy tiền đâu mà trả?