(GD&TĐ) - Nhiều bậc cha mẹ có con tuổi mới lớn bày tỏ nỗi băn khoăn “Có nên đọc nhật ký của con hay không?”. Người thì cho rằng nên đọc để hiểu con mình hơn, người thì muốn đọc nhưng còn e ngại, vì sợ lỡ con phát hiện ra sẽ có những phản ứng không hay…
Chị Thanh Trang ngụ ở quận10 (TP.HCM), có con gái 15 tuổi. Thấy con tối tối hay hí hoáy viết gì đó vào một cuốn sổ bìa cứng, bên ngoài có trang trí nơ hồng. Tò mò, một hôm con gái đi vắng, chị mở ngăn bàn của con lấy cuốn sổ ra xem thử. Thì ra, đó là một cuốn nhật ký, ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ, những sự kiện đặc biệt diễn ra trong ngày của con. Chị òa vỡ ra một điều khi đọc đến những trang cô bé tâm sự, cô chỉ coi cậu bạn trai thỉnh thoảng gọi điện đến nhà như một người bạn, cùng chia sẻ bài vở trên lớp, ấy vậy mà mỗi lần cậu gọi điện đến nhà, nếu chẳng may ba mẹ nhấc máy là y như rằng cô sẽ bị săm soi và bị “dán” cho cái nhãn là “mới tí tuổi đầu mà đã yêu đương rồi…”.
Trong nhật ký, cô bé cũng viết rằng : “…Ba mẹ có vẻ như không tin tưởng mình, không cho mình cơ hội giải thích. Điều này khiến mình rất buồn và có cảm giác rất cô đơn ngay trong nhà mình…”. Gấp sổ nhật ký của con gái lại, chị Trang bần thần cả người. Lúc này chị mới hiểu, từ lâu nay hai vợ chồng chị cứ nghĩ là con gái đang tuổi mới lớn, mình phải “trông coi” kỹ, nhất là trong các mối quan hệ với bạn khác phái của con, phải khắt khe chứ không thì con dễ sà đà vào chuyện tình cảm sớm quá rồi bỏ bê chuyện học hành… Chị bảo: “Đọc nhật ký của con cũng có cái lợi thiệt, nhờ nó mình hiểu ra những điều mà trước đây chưa biết hoặc chưa hiểu đúng, qua đó có thể kịp thời điều chỉnh cách cư xử với con để không phải xảy ra những điều đáng tiếc…”.
Trong khi đó, cũng vì đọc nhật ký của con trai học lớp 9 mà chị Thúy Bình ở Gò Vấp (TP.HCM) bị con phản đối quyết liệt khi phát hiện ra mẹ đã lục cặp mình. Chị kể: “Hôm đó, cháu đi học về và hầm hầm bảo tôi là ‘Tại sao mẹ lại lục cặp con, mẹ không tôn trọng con, con cũng có thế giới riêng tư của mình chứ!’…”. Chị Bình thú nhận là chị hơi bị choáng khi nghe thằng bé “cự” mình như thế. Thực ra, chị cũng chỉ muốn quan tâm sâu sát để hiểu con hơn, ai dè…
Hình minh họa |
Cũng rất quan tâm đến con nhưng chị Minh Ân ở Tân Bình (TP.HCM) lại cho rằng, tốt hơn không nên lục lọi “thế giới riêng tư” của con. Nếu muốn biết con nghĩ gì, hãy tạo cơ hội trò chuyện một cách cởi mở với con thì chúng sẽ tin tưởng, dễ bộc bạch tâm tư của mình, kể cả những chuyện “thầm kín”. Theo chị, khi đọc lén nhật ký của con, trước mắt thì có thể hiểu con hơn nhưng về lâu về dài, chắc chắn cũng sẽ có lúc chúng phát hiện ra và sẽ có thái độ phản kháng không hay. Mối quan hệ cha mẹ, con cái từ đó có khi lại rạn nứt hay có khoảng cách xa hơn.
Đa phần các bạn tuổi mới lớn, khi được hỏi, đều muốn người lớn “tôn trọng thế giới riêng tư của mình”. Trong nhật ký, có những chuyện các bạn viết để giải tỏa buồn vui trong một lúc nào đó, khi người ngoài biết được, cảm giác đầu tiên của một số bạn là “thấy xấu hổ”, như chia sẻ của bạn Phương Liên, 15 tuổi ở Tân Phú (TP.HCM): “Em chưa xác định được tình cảm nhất thời của em nên “tâm sự” trong nhật ký cho khuây khỏa, ai dè mẹ biết được, cứ hỏi dồn khiến em thấy mắc cỡ quá, biết thế cứ giấu kín trong lòng thì hơn…”.
Còn bạn Xuân Thiện, học sinh lớp 8, bị bố phát hiện trong nhật ký, Thiện thổ lộ bóng gió về một cô bạn gái cùng lớp, rồi hễ có dịp, bố lại mang chuyện đó ra nói khiến Thiện cảm thấy “rất quê”. Thiện bảo: “Em cũng không thích bố theo dõi em kiểu này, cứ như bố không tin tưởng và sợ em làm điều gì xấu nên phải lục cặp xem xét…”.
Minh Trân, 16 tuổi (Biên Hòa, Đồng Nai) thì tâm sự trong nhật ký là “đầu óc dạo này cứ thấy nhớ vơ vẩn một bóng hình…” liền bị ba mẹ nói ngay sau khi phát hiện ra: “Lo học đi, đừng có viết lách gì vớ vẩn nữa!...”. Tự nhiên, Trân cảm thấy hụt hẫng. “Nhật ký như người bạn để tâm sự nên em không muốn bỏ nó, em muốn ba mẹ hiểu là viết nhật ký cũng không có gì xấu và không ảnh hưởng đến việc học, em thấy buồn khi ba mẹ cho đó là vớ vẩn…”, Trân thổ lộ.
Theo Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Giám đốc Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt - TP.HCM) thì chỉ có những bậc phụ huynh không thân, không gần gũi và sâu sát con thì mới mong muốn đọc nhật ký của con như thế.
Tiến sĩ Tâm cho rằng, các bậc cha mẹ có con tuổi mới lớn nên hiểu đặc điểm tâm lý lứa tuổi của con mình. Ở tuổi này, con trẻ muốn có thế giới riêng của mình và không thích ai can thiệp vào. Cha mẹ phải hiểu điều này để tế nhị trong cách xử sự với con, bởi thông thường sau khi đọc nhật ký của con rồi, nhiều khi cha mẹ lại tỏ ra can thiệp một cách lộ liễu ngay vào những vấn đề mà con thổ lộ trong nhật ký khiến con trẻ cảm thấy bị tổn thương.
“Thay vì quan tâm đến chuyện đọc nhật ký của con, cha mẹ nên dành thời gian để thiết lập mối quan hệ thân tình với con. Thông qua việc đối thoại và lắng nghe con, từ đó cha mẹ sẽ hiểu con mình hơn. Hãy trở nên như người bạn lớn của con để con có thể tin cậy và bộc bạch những tâm tư, thắc mắc. Một khi đã trở nên như người bạn và hiểu con rồi thì đâu cần gì phải đọc lén nhật ký của con…”, Tiến sĩ Tâm chia sẻ.
Trong một cuộc trò chuyện với các bậc phụ huynh có con tuổi vị thành niên, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Đơn vị tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1) cũng gặp những tình huống tương tự xoay quanh thắc mắc “Có nên đọc nhật ký của con hay không?”. Ở góc nhìn của mình, bác sĩ Thanh cho rằng, không có quy luật gì là tuyệt đối. Mỗi nhà mỗi cảnh, vì thế các bậc cha mẹ nên suy nghĩ và tìm xem cái gì là tốt nhất cho hoàn cảnh của mình.
Liên Giang