Việc giáo dục chưa "chuẩn" của cha mẹ
Mô hình gia đình ít con đã tạo ra tâm lý kỳ vọng quá lớn ở những "cậu ấm, cô chiêu" của họ. Thường thì mỗi bậc cha mẹ khi đón con ở trường về, câu hỏi đầu tiên là "hôm nay con được mấy điểm" mà chưa cần biết hôm nay ở trường con học hành ra sao, chơi trò gì, thư giãn thế nào.
Tâm lý học vì điểm đã tạo nên sự sai lầm đáng tiếc khiến trẻ bằng mọi cách để có điểm tốt cho cha mẹ vui. Có những vị còn "thưởng" con bằng tiền mỗi khi con đạt điểm 9, 10...
Sự áp đặt con trong khi học bài ở nhà cũng là một điều không nên. Do chương trình và phương pháp học cải cách bây giờ khác trước, nên có nhiều bậc cha mẹ không thể giảng giải cho con hiểu bài.
"Không phải thế, cô con dạy khác cơ" là câu phản ứng thường thấy của các em khi nghe bố mẹ giảng không đúng như cách của cô giáo. Ở trường hợp này, bố mẹ thường hay áp chế, mắng con... Con "bí" đành làm theo bố mẹ, kết quả là đáp số đúng nhưng cách làm thì sai hết.
Nhiều bậc cha mẹ lại thường lấy một số bạn bè cùng trang lứa ra "làm gương" cho con. Theo tôi, sự so sánh này có thể là con dao 2 lưỡi. Không cho phép con cái tranh luận cũng là một nhược điểm của nhiều bậc cha mẹ.
Khi con trót phạm một lỗi gì, cha mẹ vội vàng chụp mũ cho rằng con là đồ bỏ đi, là "đồ ngu"...khiến các em tự ti, cho rằng mình có cố gắng thế nào cũng vẫn không thể khá hơn được, dẫn đến tâm lý buông xuôi bỏ mặc...
Vậy cha mẹ cần làm gì?
Trước hết phải coi việc học cùng con là một trong những nhiệm vụ lớn cuả bậc làm cha mẹ. Hãy có trách nhiệm với con cái chúng ta. Hãy cho con cái biết một vài truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ để trẻ em biết phát huy, khơi gợi lòng tự hào, tự tôn cuả các em....
Nếu coi chuyện học cùng con là nghiêm túc thì hãy giúp con tạo ra một thời gian biểu hàng ngày. Có chú ý đến thời gian chơi, nghỉ ngơi thư giãn trong ngày, trong tuần.
Khi con nêu phương pháp học mà cha mẹ thấy khác với cách học của mình ngày xưa, cần tôn trọng con. Cha mẹ có thể xem thêm sách tham khảo, "học cùng con" mới là điều căn bản. Mỗi ngày hè, cha mẹ hãy bớt ra khoảng 1 tiếng để kiểm tra việc học ôn cuả con mình.
Không nên ép tạo áp lực về điểm số đối với con. Nếu con bị điểm kém hoặc điểm số không vừa ý, hãy tìm nguyên nhân (do cháu không hiểu bài, do cô giáo cho đề khó, do hổng kiến thức hay do một lý do nào đó) rồi động viên con hãy cố gắng tiếp ở các bài tập sau.
Hãy cho trẻ biết "một lần vấp" đó sẽ giúp ta đứng vững hơn trong cuộc sống. Như vậy trẻ sẽ tự tin và tiếp tục phấn đấu ở những lần kiểm tra sau.
Khi con trẻ còn nhỏ, nên khuyến khích các cháu tự hỏi, khám phá. Cha mẹ hãy tìm câu trả lời nào đó thích hợp nhất với tầm hiểu biết cuả trẻ. Tuyệt đối không lảng tránh hoặc áp đảo trẻ bằng mắng mỏ... Sự quan tâm vừa kích thích trí tò mò của trẻ, vừa tạo ra sự tin cậy của con với cha mẹ.
Đừng ép con mình phải theo một hướng đi nào đó do cha mẹ chọn sẵn. Không nên ép các con chú ý nhiều quá vào các môn văn hoá mà quên mất việc học các môn năng khiếu.
Xin nhớ, các môn năng khiếu tuy không trực tiếp quyết định nhiều đến điểm tổng kết cuối năm cuả con như văn, toán (vì văn, toán nhân hệ số 2), nhưng nhờ có các môn này mà đầu óc trẻ được thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng.
Ở nhà nên hướng trẻ học xem kẽ các môn nghệ thuật giáo dục tâm hồn....Với con học lên cấp THPT, không nên quá gò ép con vào ban A, ban B mà nên hướng cho con chọn một ngành nghề nào đó phù hợp sở trường, tránh theo trào lưu.
Học cùng con là việc rất khó đối với các bậc làm cha mẹ, vì thế hãy dành thời gian để hướng dẫn con học. Mô hình gia đình ít con lại càng tạo điều kiện để chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập của con cái. Nhưng cha mẹ cũng cần dành thêm cho trẻ thời gian để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của con.
Gia đình là cái nôi chắp cánh cho những thành công bước đầu của con trẻ trong sự nghiệp và trên đường đời. Vì vậy hãy cho con thấy được gia đình là điểm tựa, cha mẹ là nơi để con cái có thể tin tưởng gửi gắm những tâm tư nguyện vọng, giải đáp những thắc mắc và giải toả tâm lý căng thẳng.
Để làm được điều này, các bậc cha mẹ hãy là người bạn tốt nhất của con mình.