Khi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu…

Khi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu…

(GD&TĐ) - Lễ tuyên dương HS đoạt giải Olympic quốc tế và HS đạt điểm xuất sắc nhất các khối thi tuyển sinh ĐH năm 2013, vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội, đã thực sự vươn ra khỏi phạm vi ngành GD, trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của đất nước trong những ngày qua.

Những học sinh giỏi - Những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa Dạy tốt - Học tốt
Những học sinh giỏi - Những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa Dạy tốt - Học tốt

Không chỉ là tôn vinh những nhân tài đích thực, những chủ nhân tương lai của đất nước, mà còn là sự khẳng định về chủ trương “GD&ĐT là quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước ta.

Thực tế, hàng năm chúng ta đều có các sự kiện tuyên dương HS giỏi, thủ khoa các trường ĐH và nhất là những HS đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế; ở các cơ sở GD, các địa phương, bản thân Bộ GD&ĐT và cả cấp Nhà nước. Tuy nhiên, quy mô lớn như năm nay đúng thực là lần đầu tiên. Điều đó cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với sự nghiệp GD – ĐT ngày càng lớn như thế nào.

Đó cũng là sự động viên kịp thời trong giai đoạn toàn ngành đang tập trung đẩy mạnh triển khai Kết luận số 51- KL/TW của BCH Trung ương Đảng và Chỉ thị số 02/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Kết quả cao của rất nhiều em HS trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2013 chỉ là một trong những điểm nhấn của ngành GD đạt được trong riêng năm 2013 này.

Cái đặc biệt hơn nữa, chưa năm nào, thành tích thi quốc tế của các em HS lại cao như năm nay, với hàng loạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc ở các môn Vật lý, Hoá, Toán…; khiến bạn bè quốc tế nể phục và đánh giá cao. 

Trong vườn hoa thành tích rực rỡ ấy, chúng ta có một Ngô Phi Long, dù chỉ là học sinh THPT chuyên ở tỉnh miền núi Sơn La còn đầy khó khăn, nhưng giữ kỷ lục vô tiền khoáng hậu với bốn Huy chương Vàng và Bạc của các kỳ thi Olympic Vật lý (riêng năm 2013, em đã giành một Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á và một Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế), góp phần đưa bảng vàng thành tích dự thi Vật lý quốc tế của Việt Nam lên cao nhất từ trước tới nay.

Với thành tích đó, con rồng nhỏ đất Sơn La hoàn toàn xứng đáng với phần thưởng cao quý là Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước ký và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng trong lễ tuyên dương vừa diễn ra.

Đó chỉ là một tấm gương nổi bật nhất trong rất nhiều tấm gương sáng về học tập có mặt trong lễ tuyên dương này. Các em, cũng là tấm gương sáng cho hàng triệu HS, SV; là động lực thúc đẩy sự cống hiến hơn nữa của các thầy cô giáo; tiếp thêm quyết tâm hơn nữa cho mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT mà ngành đang thực hiện.

Tôn vinh những nhân tài đích thực, cũng là một bước hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và toàn ngành trong quan điểm nhìn nhận GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho GD là đầu tư cho tương lai của đất nước.

Thẳng thắn mà nhìn nhận, nền GD của chúng ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế; đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước hiện nay. Tất cả những trọng trách, thách thức, cơ hội to lớn đó đang đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đồng tâm, nỗ lực phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên và tạo mọi thuận lợi cho mỗi HS, SV, từng gia đình, từng dòng họ, từng cộng đồng dân cư và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Điều đó cũng có nghĩa, chúng ta cần nhiều hơn những nhân tài cho đất nước, cần nhiều hơn những lễ tôn vinh như thế này với nhiều hơn những gương mặt mới trên bục vinh quang.

 Điều đó, chỉ có thể thông qua con đường đổi mới GD&ĐT. Bởi thế cũng trong những ngày này, bằng trách nhiệm cao nhất với đất nước, với dân tộc, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang tập trung thảo luận Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. 

Các định hướng cụ thể còn phải qua nhiều khâu bàn thảo trước khi có những quyết định cuối cùng, nhưng mục tiêu cao nhất vẫn là để hướng tới nền GD toàn diện với hệ thống được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam; đáp ứng được yêu cầu đặt ra là đưa GD&ĐT trở thành một khâu đột phá chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta.

Những mục tiêu đó, đòi hỏi phải có cả sự nỗ lực ngay từ bây giờ, thông qua học tập và rèn luyện, của chính những em HS đang còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó, nòng cốt là những gương mặt đã và sẽ được đứng lên bục tôn vinh trong những lễ tuyên dương tương tự về sau...                         

Trần Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.