Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU từ khi khối này phong tỏa do dịch Covid-19, và là cuộc họp dài chưa từng thấy của các nhà lãnh đạo EU vào đúng thời điểm rất khó khăn của châu Âu. Bị chia rẽ và phản ứng chậm khi dịch bắt đầu bùng phát, giờ đây các lãnh đạo EU đang có cơ hội để chuộc lỗi với chính người dân mình, và để cho thế giới thấy EU có thể phản ứng với một cuộc khủng hoảng - Reuters nhận xét.
Tuy nhiên để nhất trí được gói phục hồi này không dễ dàng chút nào, mà nguyên nhân vẫn là những bất đồng cũ giữa các nước ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch như Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Phần Lan với những nước nợ nần chồng chất và kinh tế đang rơi tự do như Italy và Hy Lạp.
Đàm phán diễn ra rất căng thẳng, kéo dài đến rạng sáng 20/7. Các nhà lãnh đạo tỏ rõ sự mệt mỏi và buồn ngủ. Một nhà ngoại giao còn tiết lộ rằng có lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất kiên nhẫn với sự bế tắc giữa hai bên đến mức ông đấm tay xuống bàn.
Một nhà ngoại giao khác công nhận căng thẳng đã gia tăng cho tới khi Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes kêu gọi bình tĩnh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi 27 nhà lãnh đạo phải đạt được "nhiệm vụ bất khả thi", và nhắc nhở họ rằng hơn 600.000 người đã chết vì Covid-19 trên toàn thế giới.
Theo tờ Guardian của Anh, phải sang đến ngày thứ tư các nhà lãnh đạo mới có vẻ tiến đến bước đột phá. Dự kiến đàm phán nối lại vào 4 giờ chiều 20/7, và ông Michel đưa ra những điều kiện cơ bản mới cho một thỏa thuận, trong đó tính đến cả những yêu cầu đối lập giữa Bắc và Nam Âu.
Vướng mắc đầu tiên là tỷ lệ giữa phần cho vay và trợ cấp. Quỹ phục hồi của châu Âu trị giá 750 tỷ euro, trong đó, ban đầu ông Michel đề xuất 500 tỷ trợ cấp không hoàn trả còn lại là cho vay. Tuy nhiên, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Phần Lan cho rằng trợ cấp chỉ nên là 350 tỷ euro, tức là cho vay phải nhiều hơn trợ cấp. Còn Đức và Pháp yêu cầu các khoản trợ cấp không được thấp hơn 400 tỷ euro. Một nhà ngoại giao cho biết, con số thỏa hiệp có thể là 390 tỷ euro trợ cấp.
Vấn đề thứ hai là sự ràng buộc việc trả nợ với các cải cách kinh tế và dân chủ, tôn trọng các nguyên tắc nhà nước pháp quyền và cam kết chống biến đổi khí hậu. Cũng như với các cuộc đàm phán cứu trợ kinh tế trước đây, một số nước muốn các nước đi vay phải chấp nhận các điều kiện cải cách khắt khe hơn. Tuy nhiên, cải cách cũng là điều cần thiết để phục hồi kinh tế - xã hội sau suy thoái. Tây Ban Nha, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 cho biết, họ sẵn sàng chấp nhận một số điều kiện gắn với các khoản vay.
Bất đồng giữa các nước EU là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái nặng do ảnh hưởng của Covid-19, và với một số tiền khổng lồ như thế lại càng cần phải thận trọng. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo không nên vội vàng đi tới thỏa thuận.
"Nói một cách lý tưởng, thỏa thuận của các nhà lãnh đạo phải tham vọng xét về cả quy mô và thành phần gói phục hồi, cho dù nó mất nhiều thời gian hơn" - bà Lagarde nói với Reuters. Bình luận của bà Lagarde cho thấy, bà sẽ không quá căng thẳng với bất kỳ phản ứng bất lợi nào của thị trường nếu hội nghị thượng đỉnh thất bại, đặc biệt là khi ECB có khoản dự trữ hơn 1.000 tỷ USD mua nợ chính phủ.